This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Monday, October 31, 2016

Lẩu cá Phan Thiết

Lẩu cá Phan Thiết
Đến Phan Thiết bạn sẽ thưởng thức nhiều món ăn hải sản như tôm nướng muối ớt, mực trứng nướng sa tế, cua hấp, ghẹ luộc, điệp nướng hành mở, mực một nắng nướng…nhưng nếu bạn muốn ăn một món vừa có hải sản, vừa có nước để húp và thưởng thức mùi ngọt của cá, vị cay của ớt, thì hãy ăn lẩu cá.



Cá thường được cắt khúc hình vuông vừa ăn, đầu cá được chặt thành từng miếng khoảng 3 ngón tay, bao từ cá cũng được cắt thành từng miếng dài vừa ăn. Lẩu cá có hương vị rất đặc trưng của miền biển vừa thơm, ngon, bổ và giá cũng bình dân. 

 

Ăn lẩu cá người ta thường ăn đầu cá, bao tử cá, ít có người ăn thịt, vì đầu cá thường ngọt và béo, ở đầu cá cũng có rất nhiều thịt, gặm từng thớ thịt và xương cá, sụn và mắt cá làm cho ta cảm thấy rất là thích thú.

 

Ăn kèm với nước lẩu cá thường có bún sợi và dùng thêm các loại rau như rau muống, bạc hà cắt lát xiêng, khóm (thơm) cắt miếng, cà chua chẻ đôi, rau bắp chuối bào, rau mùng tơi…

 

Nước lẩu ngọt vị hải sản, ăn với bún rất ngon miệng, lẩu cá sẽ là món ngon đổi bữa cho gia đình bạn.

Một số hình ảnh đẹp
Lẩu cá Phan Thiết












Cải Mèo Mộc Châu

Cải Mèo Mộc Châu
Tham gia tour du lịch mộc châu, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản cải mèo mộc châu. Mùa đông, ăn cải mèo mộc châu luộc chấm mắm dầm trứng vừa ngon vừa khoái.

 



Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa. Giữa thu đến cuối thu, mang hạt giống ra rải quanh vườn, quanh rẫy mà chẳng cần rào giậu, luống bãi, cũng chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì. Cứ thế, cây cải sẽ tự mình chắt chiu lấy nhựa sống, lấy dinh dưỡng từ những khe đất khe đá, từ cái sương lạnh của vùng núi Tây Bắc mà lớn lên. Ấy thế mà cây cải cứ xanh, cứ cao, cứ non mượt non mà, nhìn thôi đã thích mắt.

 

Vài năm trở lại đây do nhu cầu ăn cải mèo của khách du lịch thập phương tăng cao, nên bà con dân tộc đã biết trồng để bán, để kinh doanh, trồng thành hàng, thành luống. Dù vậy cách thức trồng vẫn còn nhiều thô sơ nên cải mèo Mộc Châu vẫn giữ được những hương vị đồng nội hoang dã của nó.

 

Cải mèo luộc chấm nước mắm dầm trứng chế biến hết sức đơn giản. Mua cải về, tách từng bẹ rau ra rửa sạch rồi xắt ra thành từng khúc dài 4-5 cm, cho vào luộc với nước đã đun sôi già. Nêm thêm vài hạt muối trắng và lật trở đều tay cho rau xanh màu. Đập thêm vài lát gừng cho thơm rau. Rau vừa chín tới thì vớt ra, bày lên đĩa. 

 

Luộc hai quả trứng gà rồi dầm với nước mắm hoặc nước tương (xì dầu). Và ăn nóng. Ăn tới đâu là biết liền tới đó. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải của rau quyện với vị ngọt, vị thơm, vị mặn của xì dầu, rồi là cái béo của lòng đỏ trứng gà… Tất cả hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa… 

 

Ăn cải mèo Mộc Châu ấn tượng nhất là cái vị đăng đắng ngăm ngăm của nó. Đăng đắng vừa phải, vừa đủ. Đăng đắng qua rất nhanh để rồi khi qua đi, lại cảm nhận rõ thêm cái ngọt ngào, tươi non, mềm mại của rau; ngọt ngào, đậm đà của nước chấm. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm ấy, đã ăn một lần thì chẳng dễ gì quên được. Mùa đông, ăn cải mèo Mộc Châu luộc chấm mắm dầm trứng, vừa ngon, vừa bổ mà lại mát lòng mát dạ.

 

Cải mèo Mộc Châu ngoài ăn luộc còn có thể dùng ăn lẩu, xào với thịt hun khói, thịt gà… món nào cũng đặc sắc và có hương vị riêng. Nhưng ăn luộc chấm mắm dầm trứng vừa bình dị mà lại giữ được nhiều hương vị của cây cải mèo Mộc Châu nhất. 

Một số hình ảnh đẹp
Cải Mèo Mộc Châu
Cải Mèo Mộc Châu












Cơm Âm phủ xứ Huế

Cơm Âm phủ xứ Huế
Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân.

 

Đến Huế du khách có thể bắt gặp món cơm Âm phủ ở các nhà hàng lớn hay ngay tại những quán ăn bình dân bên đường. Cơm Âm phủ là một món ăn bình dị nhưng thể hiện nét đẹp của người dân xứ Huế: đôn hậu, thật thà và mến khách.

 



Tương truyền, khi xưa vua đi vi hành, cải trang thành thường dân gõ cửa một nhà bà góa. Do gia cảnh nghèo khó nên bà góa chỉ có thể dọn ra một chén cơm trắng cùng ít rau cải bình thường. Vua đói và mệt nên ăn ngon lành hết sạch chén cơm của bà. Từ ấy, vua gọi đó là “cơm Âm phủ”.

 

Và về sau, món cơm Âm phủ được người dân đưa thêm nhiều nguyên liệu và gia vị khác như ngày nay.

 

Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... , cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.

 

Cơm có thể dùng nồi cơm điện nấu từng ít một. Nhưng để có món cơm mềm, để được lâu mà không bị khô thì nên ngâm gạo trong nước lạnh qua hai giờ rồi dùng vỉ để hong thành cơm.

 

Trứng chỉ dùng thuần trứng vịt không nêm nếm gia vị, đánh tan, rồi bắc lên chảo tráng. Tôm hấp chín, lột vỏ, lấy nạc tôm để ráo giã nhỏ bằng chày cối làm tơi nạc tôm. Cho vào chảo không láng dầu, canh lửa vừa nóng ấm, cho tôm vào, dùng đũa tre đảo đều và liên tục cho đến khi tôm tơi ra và khô hẳn là có thể dùng được.

 

Có thể dùng tay bốc từng nhúm tôm vừa làm xong, chà nhẹ lên một mặt nhám như rây kim loại, rá tre... tôm sẽ tơi ra như bông sợi.

 

Thịt tùy khẩu vị mà có thể chọn các loại thịt như: thịt heo nạc lưng, nạc mông..., cắt thành miếng mỏng cỡ ba ngón tay. Tẩm ướp thịt với các gia vị như: muối tiêu, nước mắm, đường, tỏi băm. Sắp thịt vào vỉ kẹp để nướng trên lửa than.

 

Ngoài các nguyên liệu chính trên thì khi ăn còn có thêm các thành phần khác nữa như: chả, rau dưa, đồ chua (kiệu, cà rốt, giấm đường...), tất cả đều cắt thành dạng sợi nhỏ, trải đẹp mắt thành hoa văn trên mặt đĩa cơm. Khi ăn dọn kèm với chén nước mắm chua ngọt do người ăn tự pha, chén hành mỡ, ớt tươi...

 

Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.

Một số hình ảnh đẹp
Cơm Âm phủ xứ Huế












Cua hấp muối hột Cà Mau

Cua hấp muối hột Cà Mau
Giết 1 con cua 500 gram, làm cua thật sạch, dùng bàn chải sắt chà hết phèn, sình trên mình cua, bóc yếm bỏ. Ta bỏ 200 gram muối hột đen vào nồi ( tốt nhất là nồi đất, nếu muốn nhanh hơn thì dùng nồi bằng kim loại ), gác một vĩ tre nhỏ rồi đặt cua lên trên, phần yếm cua nằm phía dưới, đậy chặt nồi ( có thể dùng vật nặng để chặn nắp nồi ).

 



Đặt nồi lên bếp than đang liu riu lửa, khoảng hơn 10 phút thì muối hột sẽ nổ hết, cua hấp đã chín, toàn thân màu vàng gạch rất đẹp mắt, bóc vỏ cua ra, phía trong thịt cua chín nước từng thớ thơm lừng cùng mùi muối nguyên sinh, gạch cua sanh sánh ngọt, béo bùi ngất ngây, ăn cùng ít rau răm, muối ớt chanh, hoặc tiêu chanh là ngon tuyệt .


Muối hột có vị đậm đà hơn so với muối tinh chế. Khi mua về bạn phải cho lên chảo rang đều để muối khô ráo, nhặt bỏ bớt các tạp chất rồi cho vò máy xay nhỏ hơn một chút. Bạn có thể dùng trộn với tiêu, ớt, chanh chấm kèm các món ăn khác vẫn ngon.

Một số hình ảnh đẹp
Cua hấp muối hột Cà Mau












Bánh khoái cá kình Huế

Bánh khoái cá kình Huế
Nằm cạnh đình làng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, chợ làng Chuồn (An Truyền) ở xã Phú An, huyện Phú Vang, cách TP Huế 5km về hướng đông, vốn nổi tiếng với các đặc sản rượu Chuồn, bánh tét, rau câu đầm Chuồn... Đặc biệt là bánh khoái cá kình.

 



Bánh khoái là đặc sản của Huế với những quán Thượng Tứ, Hạnh... nổi tiếng bấy lâu. Bánh được làm bằng bột gạo, nhân tôm thịt, giá, nấm, ăn với nước lèo và rau sống. Từ nguyên vật liệu đến cách chế biến đều đơn giản và gọn nhẹ nhưng ăn thì rất “khoái”. Đặc biệt hấp dẫn với du khách gần xa phải nói đến bánh khoái cá kình ở chợ làng Chuồn.

 

Cá kình là loại cá đầm, nước lợ, con be bé, lớn nhất chỉ bằng ba ngón tay. Mùa cá kình thường từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Thịt cá màu vàng ươm, mềm mại, thơm và ngon ngọt, gan cá kình bé tí xíu nhưng rất béo, mật cá đăng đắng là vị thuốc giúp ăn ngon ngủ yên nên khá đắt tiền. Bánh khoái vẫn làm bằng bột gạo nhưng nhân bánh không phải là tôm thịt mà là cá kình nguyên con, nước chấm không phải nước lèo mà là nước mắm ruốc nguyên chất, không có rau sống ăn kèm. Rất đơn giản: bột, cá và nước mắm!

 

Lần đầu khi được mời ăn bánh khoái cá kình, rụt rè gắp từng miếng nhỏ cứ sợ vụng về lỡ mắc xương. Ăn cái thứ nhất ngần ngại, bạo dạn hơn với cái thứ hai, kinh nghiệm với cái thứ ba. Lúc ăn phải dùng lưỡi từ từ lừa xương ra khỏi mình cá, khi chỉ còn thịt cá và bột mới trực tiếp cầm bằng tay chấm nước mắm thoải mái ăn. Ăn bánh khoái cá kình phải từ tốn, chưa ăn thì thấy ngại, khi đã biết ăn rồi sẽ ghiền và mê.

 

Hiện ở Huế chưa có nhà hàng nào bán món bánh khoái cá kình, duy chỉ ở chợ làng Chuồn. Đến mùa cá kình, mấy quán bán bánh khoái càng bộn bề khách khứa. Khách muốn ăn cứ vào chợ, ngồi chồm hổm bên bếp, đổ xong cái nào là ăn ngay cái đó. Trong tư thế ấy, tâm trạng ấy, trong lúc chờ đợi ta sẽ được nghe âm thanh xèo xèo của bột khi được đổ vào khuôn dầu nóng. Mắt sẽ thấy được màu sắc của bánh, mũi ngửi được mùi thơm và miệng được thưởng thức vị ngon, ngọt, béo, bùi, mặn, cay... Khi ấy ta mới thấu hiểu cái thâm thúy của dân gian vì sao gọi là bánh khoái!

 

Những mùa cá kình gần đây đã thấy xuất hiện các nam thanh nữ tú từ TP Huế về chợ Chuồn ăn bánh khoái cá kình, trong đó vài thực khách trẻ đã chí thú giới thiệu bánh khoái cá kình với bạn bè bốn phương trên Facebook. Nên chăng, khi đến mùa cá kình, ở Huế cần có các tiệm bán món bánh đặc sắc này để giới thiệu với du khách và phục vụ thực khách?

Một số hình ảnh đẹp
Bánh khoái cá kình Huế
Bánh khoái cá kình Huế
Bánh khoái cá kình Huế












Lòng nướng Hà Nội

Lòng nướng Hà Nội
Ngồi ngoài trời thưởng thức món nướng trong tiết trời se lạnh thì thật tuyệt. Bởi thế những con phố chuyên đồ nướng luôn rất đông khách khi gió đông về.

 



Cùng với Mã Mây, phố Gầm Cầu (Hà Nội) là điểm hẹn quen thuộc của giới trẻ mỗi khi nhớ món nướng. Ở đây có khá phong phú các loại nguyên liệu như lòng, dạ dày, tràng, cổ hũ, bò, nầm... Để tạo chút khác biệt, nhà hàng thường tẩm mật ong trước khi nướng nên ăn cũng thấy lạ lạ. Nếu không thích ăn đồ ngọt, bạn cũng không nên lo lắng bởi lượng mật ong chỉ vừa đủ thôi, không bị ngọt. Cũng nhờ có chút thành phần đặc biệt này nên miếng lòng, dạ dày có màu nâu óng ả.

 

Nếu như không gì hợp với lòng luộc là mắm tôm thì lòng nướng chấm tương ớt pha loãng. Những miếng lòng, dạ dày sần sật, giòn giòn có thêm vị cay cay, ăn cũng hay hay.

 

Nếu so với nhiều hàng đồ nướng ở Hà Nội, các món ở đây dù không quá đặc sắc nhưng giá cả vừa phải nên lúc nào cũng đông khách. Một số chủ hàng tương đối dễ tính, sẵn sàng đổi hàng lại cho khách nếu có phàn nàn lòng bị đắng, chứ không lườm nguýt hay chửi như nhiều hàng trên phố cổ.

 

Điều thú vị nho nhỏ khi bạn tụ tập cùng bạn bè ở con phố nhỏ này chính là đôi lúc sẽ nghe thấy tiếng tàu chạy ngay trên đầu mình. Những người mới tới đây lần đầu chắc cũng có đôi chút giật mình với âm thanh bất ngờ xuất hiện này.

 

Phố Gầm Cầu tương đối ngắn, dài chỉ khoảng 200m, chạy dọc chân cầu Long Biên, có tàu chạy qua. Đó chính là lý do bạn thường nghe tiếng xình xịch đấy. Tên phố cũng xuất phát từ lý do này khi phố nằm bên chân cầu có những vòm cuốn.

 

Con phố nhỏ này có hai cuộc sống khác hẳn nhau giữa ngày và đêm. Vào ban ngày, ở đây là những cửa hàng bán giày dép nhưng khi mặt trời tắt nắng, các cửa hàng đồ ăn lại bày bán dọc cả phố.

Một số hình ảnh đẹp
Lòng nướng Hà Nội
Lòng nướng Hà Nội












Sunday, October 30, 2016

Chả rươi Hà Nội

Chả rươi Hà Nội
Những ngày đầu tháng 10 Âm lịch chính là dịp rươi xuất hiện ở chỗ nước lợ. Khi đó, người dân các tỉnh lại đi vớt rươi đem về chế biến chả rươi, nem rươi, rươi kho, mắm rươi...

 

Dù giờ đây, các nhà hàng thường mua rươi rồi bảo quản trong tủ lạnh để làm chả bán quanh năm nhưng người sành ăn vẫn chỉ hồi hộp chờ tới "Tháng 9 đôi mươi, tháng mười mùng 5" để tìm ăn món này.

 



Dịp này, tới hàng chả rươi ở Ô Quan Chưởng (Hà Nội), bạn sẽ thấy bày cả những chú rươi còn tươi với đủ màu sắc xanh, hồng, nâu nâu từ các miền nước lợ của Nam Định, Hải Phòng đưa lên Hà Nội.

 

Khi mua rươi về, bạn cho rươi vào nước nóng, lấy đũa khuấy cho lông rươi rụng ra, sau đó rửa bằng nước lạnh cho sạch hết bùn đất.

 

Món chả rươi gồm rươi đánh nhuyễn, trứng, thịt lợn băm nhỏ thêm hành, thì là và vỏ quýt... hòa quyện vào nhau, đem rán. Vỏ quýt được thái chỉ nhỏ khiến cho miếng chả thơm lừng, nhưng bạn cũng đừng cho quá tay kẻo miếng chả bị đắng.

Một số hình ảnh đẹp
Chả rươi Hà Nội
Chả rươi Hà Nội
Chả rươi Hà Nội
Chả rươi Hà Nội












Bánh cuốn nóng Đà Nẵng

Bánh cuốn nóng Đà Nẵng
Bánh cuốn nóng vốn là món ăn khoái khẩu quen thuộc của mọi người. Những ai đã từng thưởng thức món ăn dân dã mà bình dị này đều không khỏi bồi hồi, dâng lên cảm giác thèm ăn khi nhắc đến. Đó thật sự là một món ngon ở Đà Nẵng.

 



Quả thực còn gì thú vị bằng việc thưởng thức từng miếng bánh cuốn nóng hổi, trắng trong, dai dai quyện lẫn vị bùi bùi của nhân thịt mộc nhĩ, nấm hương. Nói bình dị bởi từ lâu nay bánh cuốn được xem như món quà quê bởi nó không quá cầu kỳ mà lại rất nhẹ nhàng. Bạn có thể dùng món ngon Đà Nẵng này  vào mọi thời điểm trong ngày.

 

Ở Đà Nẵng có rất nhiều quán bánh cuốn nổi tiếng. Nhân bánh có nhiều thịt, mộc nhĩ hơn so với các quán khác, lại có thêm nấm hương thái nhỏ. Nhân bánh được rang chín trước khi phết vào bánh. Nhân vẫn giữ được vị ngọt, mộc nhĩ giòn giòn hòa quyện với mùi thơm của nấm hương. Nhân được rải lên vỏ bánh vừa tráng xong khói bốc nghi ngút rồi cuộn lại. Bôi một chút mỡ phi hành bên ngoài cho bánh bóng rồi xếp vào đĩa. Sau đó điểm thêm một chút hành khô phi vàng thơm lừng và một chút ruốc tôm trắng hồng trông rất đẹp mắt. Nếu chỉ có vậy, chắc cũng không có gì đáng nói, để phải trầm trồ, để mỗi sáng mình phải làm đĩa bánh trước khi đi làm.

 

Điều đặc biệt của món bánh cuốn nóng nằm ở nước mắm chấm bánh. Bát nước chấm rất đậm đà, có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, vừa ăn vừa húp được. Nước chấm bánh cũng chỉ có nước mắm, đường, giấm thanh.

 

Đây thực sự là một món ngon mà khách đến du lịch Đà Nẵng nên tìm để được thưởng thức….!

Một số hình ảnh đẹp
Bánh cuốn nóng Đà Nẵng
Bánh cuốn nóng Đà Nẵng
Bánh cuốn nóng Đà Nẵng












Bánh cuốn Thanh Hóa

Bánh cuốn Thanh Hóa
Không giống với bánh cuốn ở các tỉnh miền Bắc, bánh cuốn Thanh Hóa có sự khác biệt cả về nhân bánh và cách ăn. Bột gạo sau khi được hấp chín bằng hơi nước trên nồi căng vải, dùng ống tròn lấy ra rồi khéo léo trải rộng trên một cái mẹt nhỏ, bỏ nhân làm từ tôm bóc vỏ, thịt nạc vai băm nhỏ, mộc nhĩ, hành… và cuốn tròn thành chiếc bánh nhỏ xinh. Nhờ vậy, bánh có vị đậm đà, béo ngậy.

 



Một đĩa bánh cuốn có 5 hoặc 10 cái, ăn kèm nước mắm pha nhạt, vắt chanh, rắc hạt tiêu xay và thêm vài lát ớt đỏ tươi.

 

Từ đường lớn đến ngõ nhỏ ở Thanh Hóa đều có hàng bán bánh cuốn buổi sáng. Còn nếu muốn ăn vào chiều hoặc tối, bạn có thể ghé đường Tống Duy Tân, Nguyễn Chích (gần chùa Chanh), Trần Phú, Lê Quý Đôn… 

Một số hình ảnh đẹp
Bánh cuốn Thanh Hóa












Mực bò Rạch Bùn Tiền Giang

Mực bò Rạch Bùn Tiền Giang
Duyên hải Gò Công có bờ biển dài trên 32 km, kể từ vàm Soài Rạp ở phía Bắc đến vàm Cửa Tiểu ở phía Nam. Ngư trường Gò Công là một trong những ngư trường phong phú bậc nhất ven biển Nam Bộ với nhiều loài thủy, hải sản thuộc hàng “đặc sản” như tôm sú, tôm tích, cua biển, cá đối, mực, bạch tuộc, nghêu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã khẳng định lâu nay trong thị hiếu ẩm thực những người sành điệu như nghêu Tân Thành, mực bò Rạch Bùn (Tân Điền), cá ngát Tân Phú Đông…

 



Tân Điền (Gò Công Đông) tiếp giáp với biển Đông, có tuyến kênh Rạch Bùn đóng vai trò xổ xả mặn, phèn ra biển, cải tạo đất đai, phục vụ sản xuất. Phù sa vàm Rạch Bùn đổ ra biển Đông tạo thành một bãi bồi mênh mông với chiều rộng từ đất liền ra tới khu vực biển sâu đến vài ba km, lâu nay trở thành nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loại hải sản: cua, cá, mực, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ… trong đó nổi tiếng nhất là mực bò.

 

Mực bò về hình dáng giống như bạch tuộc. Sở dĩ có tên mực bò bởi loại mực này sau khi bắt được người ta dưỡng chúng trong các bể chứa có sục khí ô xy nên trước khi đưa lên bàn tiệc vẫn còn “sống nhăn”, bò lổm ngổm. Dân sở tại quen gọi mực bò riết thành tên. Mực bò sống ven bờ, đào hang để trú ngụ và sinh sản. Hang mực bò không sâu, chừng 3 đến 5 tấc là cùng nhưng có nhiều ngách, nhiều đường ngang ngõ tắt phòng thoát thân khi có sự biến. Ở ven biển Nam bộ, mực bò ngon nhất chỉ có ở vùng Tân Điền. Độ tháng 10 âl đến tháng 2 âl, khi gió chướng đang lồng lộng thổi cũng là mùa mực bò ôm trứng, chuẩn bị sinh sản – khi đó, mực ngon và ngọt nhất.

 

Người dân Rạch Bùn bắt mực bò bằng tay. Mỗi ngày, khi con nước giựt ròng, bỏ bãi bồi là lúc bà con rộn rịp đi bắt mực bò. Người ta nhìn bãi, tìm  “mà” mực (hình dáng cái miệng hang trú ẩn của mực) nhằm phát hiện nơi mực trú ẩn và bắt chúng. Thông thường, miệng hang mực bò có dấu bùn đùn lên xung quanh, dân địa phương quen gọi là “mà” mực. Bắt mực bò cũng là cả một nghệ thuật. Sau khi phát hiện được “mà” mực, người ta còn phải biết chặn các ngóc ngách để mực bò không có lối thoát.

 

Theo anh Mười Toàn, chủ cơ sở chuyên thu mua hải sản tươi sống tại Rạch Bùn, ngày trước, vùng này mực bò rất nhiều. Đến khi nước ròng, bà con ra bãi bắt mực bò, trung bình mỗi người sau 5 – 6 giờ lao động có thể bắt được vài kg mực (20 – 30 con). Cá biệt có anh Lê Thành Lâm cư ngụ tại ấp Trung, Tân Điền được khen tặng “kiện tướng” bởi trong vòng một con nước ròng (khoảng 6 giờ) bắt được trên 10 kg mực, khoảng 110 con.

 

Thời trước, bắt mực bò là nghề tay trái của bà con, chủ yếu cải thiện bữa ăn, dư dã một ít mang ra chợ bán. Ngày nay, nguồn lợi ít đi, mực bò trở thành món cao cấp được các nhà “sành điệu” ưa thích, giá bán cũng tăng vọt, từ 100 ngàn đến 130 ngàn đồng/kg tại Rạch Bùn mà mỗi ngày sản lượng khai thác cũng chỉ chừng 5 – 7 kg là cùng. Mực bò Rạch Bùn luộc giấm, luộc lá me… là những món ngon không thể nào quên. Được thưởng thức mực bò luộc lá me ngay tại Rạch Bùn, nhìn ra một bên là biển Đông với núi Lớn, núi Nhỏ của Vũng Tàu in trên nền trời phía xa xa và những cánh đồng lúa, đồng tôm ngút mắt của duyên hải Gò Công thì còn gì bằng.

 

Tân Điền liền kề với Tân Thành có khu du lịch biển, bãi nghêu vài ngàn ha, gần các di tích văn hóa – lịch sử Gò Công xưa: Đám lá tối trời cùng lăng và mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng Hoàng gia có mộ thân sinh bà Từ Dũ Thái hậu, lũy Pháo Đài (Tân Phú Đông)…sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch sinh thái biển Gò Công – đặc biệt, là du lịch ẩm thực. Hy vọng rằng không lâu nữa, du khách trong, ngoài nước biết đến một địa chỉ du lịch mới vô cùng hấp dẫn với món mực bò không thể nào quên, tạo thêm sinh khí cho ngành công nghiệp không khói tỉnh Tiền Giang trong tương lai.

Một số hình ảnh đẹp
Mực bò Rạch Bùn Tiền Giang












Măng ớt Lạng Sơn

Măng ớt Lạng Sơn
Cùng là trái ớt, những búp măng nhưng mỗi vùng miền lại có cách chế biến, cách ăn khác nhau. Ở vùng này nó chỉ là gia vị, nhưng ở vùng khác lại là món chủ lực “đưa cơm”. Nếu ai đã từng đến Lạng Sơn, sẽ không thể “làm ngơ” trước một đặc sản của vùng này, đó là món măng ngâm ớt cùng mắc mật tươi.



Người Lạng Sơn xem món măng ớt và mắc mật ngâm là món ăn quen thuộc có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày. Thường thì khoảng tháng 6, tháng 7 mắc mật vào vụ chín, lúc ấy măng trên rừng cũng vào độ ngon nhất sau những cơn mưa đầu hè. Người ta sẽ chọn loại măng mai hoặc măng vầu no tròn, thái miếng. Mắc mật chín vừa độ và ớt loại quả nhỏ. Tất cả cùng ngâm với giấm, tạo ra một loại hương vị đặc biệt chỉ có ở vùng địa đầu tổ quốc này.

Một số hình ảnh đẹp
Măng ớt Lạng Sơn
Măng ớt Lạng Sơn












Vịt Cầu Dứa Nha Trang

Vịt Cầu Dứa Nha Trang
Vùng đất này quả là trứ danh với đủ các món đặc sản của biển và đất, của nước ngọt lẫn nước mặn. Theo các ghi chép cổ, từ xa xưa món thịt vịt của vùng này ngon nổi tiếng, chỉ xếp sau có yến sào.



Món ăn tưởng bình dân này lại oai không ngờ. Vịt Ninh Hoa là thứ vịt nuôi thả ngoài những cánh đồng phì nhiêu, giàu tôm, cua, cá, vì vậy, vịt ở đây rất béo.

 

Nói đến vịt, những người sành ăn sẽ nghĩ ngay tới món tiết canh. Hiện nay, nổi tiếng nhất Nha Trang có tiết canh vịt Cầu Dứa, nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 3-4km về phía Nam. Nơi đây được biết đến như một "khu phố Vịt" với san sát nhà hàng phục vụ các món vịt và tiết canh vịt.

 

Ngoài tiết canh, phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là món vịt luộc và nướng. Dù chế biến theo kiểu gì thịt thịt vịt ở đây cũng rất mềm, nạc và tuyệt đối không có mùi hoi đặc trưng của vịt. Nhìn những đĩa tiết canh vịt đánh trong những đĩa lớn, màu sắc đỏ tươi, đông cứng như thạch, hãy mạnh dạn nếm thử một lần. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt mát của tiết, sần sật của tim, gan, mề, thịt, vị bùi béo của đậu phộng rang hòa cùng hương thơm tổng hợp của các loại húng quế, ngò gai, rau răm...

 

Vào mỗi buổi chiều hè, cái giòn tan của bánh tráng mè nướng cùng quyện miếng tiết canh làm nên một khúc hơp xướng khó quên của nghệ thuật ẩm thực Khánh Hòa.

 

Một số hình ảnh đẹp
Vịt Cầu Dứa Nha Trang












Saturday, October 29, 2016

Chuối đập Bến Tre

Chuối đập Bến Tre
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường.

 



Món này cũng có thể tự làm ở nhà chỉ với một nải chuối và lò nướng. Chuối được lựa chọn phải là chuối Xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon. Một trái chuối cắt dọc rồi bỏ lên lửa than, nướng chừng 5 phút cho vừa ráo nước rồi đem xuống, bỏ vào “khuôn” có thể là một chiếc túi nilon rồi đập dẹp. Sau đó bỏ chuối lên nướng tiếp, lật liên tục để không bị khét cho đến khi màu chuối từ trắng đục chuyển sang vàng ngà, chuối đạt độ xốp nhất định, sờ vào thấy giòn thì lấy xuống.

 

Nước cốt dừa đun lên cho đến khi đặc quánh, thêm chút hành xắt để không ngấy là đã có ngay nước cốt để chấm với chuối đập rồi. Đây là món ăn chơi, mỗi đĩa bưng ra gần 10 lát mà giá chưa tới 5.000 đồng. Những ngày mưa lành lạnh, núp dưới mái dù của quán ven đường nào đó, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi xì xụp húp nước cốt tới muỗng cuối cùng.

Một số hình ảnh đẹp
Chuối đập Bến Tre












Ốc vú nàng Bình Thuận

Ốc vú nàng Bình Thuận
Cùng với nhiều món hải sản nổi tiếng như mực một nắng, sò điệp, cua huỳnh đế; ốc vú nàng đã góp phần làm nên đặc trưng của những món ăn miền biển Bình Thuận. Ốc vú nàng thường sinh sống trên đảo Phú Quý và là món hải sản khá hiếm, nhưng rất ngon.



Ốc vú nàng có hình dáng giống đôi gò bồng đảo của các cô gái tuổi dậy thì căng tròn đầy sức sống. Ốc được bao bọc bởi lớp vỏ bằng xà cừ cứng chắc. Nếu dùng cát xát vào vỏ thì toàn thân ốc ửng lên một màu hồng tuyệt đẹp. Ốc vú nàng thường to cỡ ba ngón tay, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ. Đây là loại ốc sống bám vào các gộp đá ven bờ biển.

 

Ốc vú nàng có quanh năm nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn, sau đó chúng lặn mất dần để rồi tái xuất hiện vào đầu mùa trăng theo một chu kỳ nhất định. Để bắt ốc, những ngư dân phải ngâm mình dưới nước, bơi vào các hang đá, dùng đèn soi vào tận kẽ đá tách và lấy từng con ốc đang bám chặt vào thành đá.

 

Ốc vú nàng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khiến những du khách tới đây phải trầm trồ khen ngợi. Mỗi món ăn lại có cái ngon và hương vị riêng khó tả. Ốc mua về chỉ cần rửa cho sạch trước khi chế biến món ăn yêu thích. 

 

Đơn giản nhất là ốc vú nàng luộc hoặc nướng. Nói là luộc nhưng chẳng cần tí nước nào, những con ốc vú nàng tự thân khá nhiều nước, chỉ cần xếp vào nồi, trong khi luộc, mở nắp nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra. Trong giây lát những con ốc vú nàng đã bắt đầu co dần, khi thịt đã chuyển sang màu vàng, mùi thơm lan tỏa là ốc chín. Món này ăn nóng cùng với muối tiêu, chanh, người sành ăn dùng tay húp luôn nước trong con ốc.

 

Ốc vú nàng nướng cũng được nhiều người ưa thích bởi mùi thơm của thịt ốc khi nướng chín trên bếp than, cùng với những tiếng xèo xèo vui tai của nước ốc nhỏ vào than và cảm giác háo hức để chờ đón từng con ốc thơm ngon chín. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để lửa quá lớn thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra.

 

Ngoài ra, món gỏi ốc vú nàng cũng đầy hương vị đậm đà khiến người thưởng thức khó mà quên được. Nguyên liệu chế biến món gỏi ốc này gồm có thịt ốc, thịt lợn ba chỉ, dưa leo, đu đủ, rau răm, rau húng, đậu phộng, chanh, ớt, đường, nước mắm.

 

Ốc sau khi luộc lấy thịt thì thái nhỏ ốc thành miếng vừa ăn. Thịt ba chỉ thái nhỏ, các loại rau rửa sạch thái nhỏ, đu đủ và dưa leo thái sợi. Nước mắm pha lẫn với đường, nước chanh sau đó rưới lên hỗn hợp thịt ốc, thịt ba chỉ, đu đủ, dưa leo và trộn đều với rau thơm, ớt thái nhỏ. Xúc gỏi ra đĩa và rải lên một lớp đậu phộng rang giã giập.

 

Gỏi ốc ăn ngon hơn nếu có bánh tráng kèm theo, chấm với nước mắm gừng là tuyệt không gì bằng. Hương vị gỏi ốc thật đậm đà. Mùi thơm của rau quyện với vị cay nồng của ớt, vị ngọt ngọt của ốc cứ ngấm dần, ngấm dần... làm thực khách ngẩn ngơ và nhớ mãi./.

 

Một số hình ảnh đẹp
Ốc vú nàng Bình Thuận
Ốc vú nàng Bình Thuận
Ốc vú nàng Bình Thuận












Friday, October 28, 2016

Bánh xèo Hà Nội

Bánh xèo Hà Nội
Phải chui vào quán sâu trong ngõ, bước lên cầu thang cũ kỹ, nhưng thực khách sẽ được 'đền bù' bằng món ăn đặc sản phương Nam thơm ngon.

Hà Nội lâu nay nổi tiếng với những hàng quán nằm khuất nẻo nơi con phố cũ. Với người sành ăn thì việc chui rúc, luồn lách trong các căn nhà chật hẹp hay bước rón rén trên bậc thang gỗ cót két, hay thậm chí là ngồi ăn trong căn phòng vốn là nơi sinh hoạt của chủ quán cũng là một cái thú.

 



 Đã từ gần chục năm nay, quán bánh xèo nằm trên tầng 2 của một căn nhà cổ ở phố Đội Cấn, gần ngã ba Giang Văn Minh đã lôi kéo được nhiều thực khách. Để khiến quán trở nên nổi bật hơn những cửa hàng sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát khác, chủ quán đã sở hữu riêng cho mình một bí quyết làm bánh xèo khó quên.
 

Với giá cả không thuộc loại rẻ (20.000 đồng mỗi chiếc), nhân bánh cũng không quá hào phóng nhưng vào những tối mùa đông, quán vẫn chật ních khách tới ăn bởi đối với người Hà Thành, "đắt nhưng xắt ra miếng". Lớp vỏ bánh được tráng mỏng, có màu vàng ươm ngon mắt, giòn rụm và thơm nức nhưng không hề bị ngấy mỡ như bánh xèo phố Tôn Đức Thắng. Đây là điểm cộng lớn nhất của bánh xèo nơi đây, bởi lẽ ngày nay, người ăn thường có xu hướng ngần ngại trước những món ăn nhiều dầu mỡ.

 

Nhân bánh thì mỗi nơi lại có một cách chế biến khác nhau, ngoài những nguyên liệu cơ bản là tôm, thịt và giá đỗ. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái, đôi khi được ăn kèm với thịt nướng, xoài thái chỉ còn nước chấm thì bỏ thêm gan và lạc. Tại miền Nam, một vài nơi, người ăn thường ăn thêm với trứng và chấm với nước mắm chua ngọt.

 

Còn ở Hà Nội, nơi ưa chuộng những món ăn thanh thanh, tinh tế thì nhân bánh ngoài những thành phần chính còn có thêm củ đậu hoặc khoai môn thái mỏng để cân bằng với lớp vỏ bánh béo ngậy và ăn kèm với củ cải ngâm chua ngọt rất hấp dẫn.

 

Ngoài bánh xèo, quán bán thêm cả nem lụi và bún bò Huế. Tuy nhiên, bún bò luôn hết từ rất sớm còn nem lụi, theo ý kiến một số thực khách thì hơi mặn. Vì thế, nhiều người thường cắt nhỏ và cuốn ăn cùng với bánh xèo rất hợp vị.

 

Căn phòng dành cho khách ăn chỉ rộng chừng 20-30 m2, kê vừa 5-6 chiếc bàn, rất ấm cúng và thích hợp để ăn trong những ngày giá rét. Nếu may mắn tới đúng lúc, bạn nên chọn chỗ ngồi ngoài ban công, tuy hơi lạnh một chút nhưng lại có thể vừa thưởng thức món ăn đặc sản phương Nam vừa có thể ngắm dòng người qua lại khi thành phố lên đèn.

Một số hình ảnh đẹp
Bánh xèo Hà Nội
Bánh xèo Hà Nội












Thursday, October 27, 2016

Củ mài Cao Bằng

Củ mài Cao Bằng
Có dịp khám phá Cao Bằng tôi mới biết một số dân tộc vùng cao nơi đây coi củ mài như một thứ lương thực chính. Thậm chí, đối với họ củ mài mang một ân nghĩa vô cùng lớn lao.

 

Củ mài rất dễ chế biến thành những món ăn thông thường, có thể đồ chín ăn thay cơm, nấu canh hay nấu chè… Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của người dân vùng núi, thường người dân Cao Bằng chỉ nấu chè vào những ngày lễ, dịp sum họp.

 



Về mặt đông y học, rễ củ mài có công dụng bổ, hạ nhiệt, chữa được các thứ bệnh hoa mắt, chóng mặt, hư lao, mồ hôi trộm… Củ mài được dùng trong đông y như một vị thuốc, là một trong 6 vị được các lương y kết thành gọi là lục vị.

Củ mài thuộc họ dây leo, anh em với họ nhà cây từ, lá gần giống lá củ từ, thường có vào mùa hè và lụi vào mùa thu. Củ mài to cỡ củ sắn nhưng cắm sâu hàng mét, mỗi dây thường chỉ cho một củ. Đào càng sâu đoạn củ dưới đất càng bở, nạc và ngon hơn đoạn trên gần cuống dây. Chỉ cần đào được một củ to bằng bụng tay dài khoảng 1m là đã được một nồi chè cho đủ cả nhà mười người ăn thoải mái.

 

Theo lời kể của các mẹ, các chị, củ mài chế biến rất đơn giản và cũng có nhiều cách chế biến khác nhau. Thường củ mài được rửa sạch, cạo vỏ đem nấu canh xương. Vị thơm, bở tơi của củ mài lẫn với vị ngọt đậm từ xương khiến mâm cơm đơn giản chỉ có canh củ mài mà ăn vẫn ngon, không sợ thiếu chất. Tỉ mỉ hơn, củ mài sau khi rửa sạch, cạo vỏ đem xay và lọc lấy nước bột. Chắt nước trong có lẫn nhớt ở trên bỏ đi sau đó đổ bột vào nồi nấu, cho nước đường vừa phải tùy theo số lượng bột củ mài.

 

Cũng có gia đình thay đổi cách nấu giúp chè củ mài tinh tế hơn. Củ mài sau khi rửa sạch, cạo vỏ đem hấp chín rồi xắt thành miếng nhỏ, đem nấu cùng đậu xanh và bột đao.

 

Ghé nhà một người quen ở Cao Bằng tôi háo hức khi được cô bạn cho thưởng thức ngay món chè củ mài. Khi nồi chè còn đang sôi trên bếp lửa đã thấy mùi hương lạ. Bạn bảo củ mài rất lành, ăn không bị nóng ruột như sắn. Chè củ mài phải ăn nguội mới ngon. Và chỉ khi nâng bát chè củ mài thưởng thức mới cảm hết vị ngon, vị mát tan nơi đầu lưỡi, cảm giác như tụ đủ hương vị của núi rừng.

 

Theo các cụ già trong làng, thứ củ có màu trắng khi luộc bở tơi ấy chính là hóa thân của hai vợ chồng nhà nọ để cứu lấy những người có cảnh ngộ nghèo đói như mình. Vì sự tích đó nên người dân nơi đây rất trân trọng củ mài...

 

Sau chuyến đi tôi đã háo hức mang rất nhiều củ mài về làm quà cho người thân. Dường như ai cũng thích vì chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy củ mài, chưa kể được thưởng thức cả món chè củ mài ngon, bổ.

Một số hình ảnh đẹp
Củ mài Cao Bằng
Củ mài Cao Bằng
Củ mài Cao Bằng












Tuesday, October 25, 2016

Mật ong rừng Tây Bắc

Mật ong rừng Tây Bắc
Rừng đại ngàn Tây Bắc rộ nở bao nhiêu loài hoa rừng. Trên những triền nương, trong vườn nhà hay trong những trang trại, bạt ngàn hoa đào, hoa ban, hoa nhãn, hoa xoài… khoe sắc, đua hương. Ở đâu, ta cũng thấy những con ong náo nức trong nắng hồng, cánh nhỏ rung rung say sưa hút mật, gom nhụy. Những đôi chân nhỏ bé dính đầy phấn hoa đã vô tình thụ phấn cho hoa, làm cho mùa quả ngọt thêm trĩu cành sai trái….

 



Trên các nẻo đường Tây Bắc, những chàng trai người Mông vai đeo lù cở chất đầy những tầng ong ăm ắp mật. Khách mua được người bán vắt ngay tại chỗ.

 

Thời cổ đại, con người đã biết đến giá trị quý báu của mật ong. mật ong là chiến lợi phẩm, là quà cống tiến cho vua chúa. Trong các gia đình, mật ong thường dành cho người già, trẻ thơ, người ốm và phụ nữ khi sinh nở. 

 

Ngày nay, khoa học đã xác định được thành phần phong phú của mật ong với 20% nước, 75% đường và 5% các chất khác như các loại muối khoáng quan trọng, các loại vitamin quý và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khoẻ con người. Mật ong có hàm lượng glucoza và fructoza cao, sinh nhiều năng lượng. Cứ một kg mật ong có thể cho 3350 calo. Ngoài việc bồi bổ cơ thể, mật ong còn có khả năng trị bệnh ngoài da, bỏng, bệnh dạ dày, đường ruột, lao… Để có được một kg mật quý báu đó, trung bình ong phải hút mật của mười triệu bông hoa và bay một đoạn đường dài gấp 11 lần xích đạo (nếu hoa chỉ cách tổ 1,5km). Có lẽ vậy mà với người Tây Bắc, chú ong mật nhỏ bé đã trở nên đáng yêu biết bao.

 

Bây giờ nuôi ong lấy mật đã là một nghề giúp nhiều người lao động trở nên giàu có. Những chú ong vẫn mải miết với công việc của mình:

 

“Bầy Ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”

 

Mật ong rừng được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên  giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. Đây là đặc sản quý giá nhất của núi rừng Tây Bắc, được nhiều người tiêu dùng tin dùng và ưa thích.

 

Đặc điểm Mật Ong Rừng Tây Bắc

1. Màu vàng óng ánh trong suốt đặc quánh, độ kết dính cao, có mùi thơm có màu vàng nhạt, sánh và vị hơi ngòn ngọt chứ không ngọt lịm, mùi thơm nhẹ trông rất trong.

2. Có vị ngọt tinh khiết, không bị kết tinh.

3. Không bị nhiễm bất kỳ loại kháng sinh nào.

4. Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong chính hiệu thì không có hiện tượng ấy.

5. Bảo quản trong tủ lạnh không có hiện tượng đóng đường ở dưới chai.

Một số hình ảnh đẹp
Mật ong rừng Tây Bắc
Mật ong rừng Tây Bắc
Mật ong rừng Tây Bắc