This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Saturday, June 30, 2018

Đào Mẫu Sơn Lạng Sơn

Đào Mẫu Sơn Lạng Sơn
Vùng núi Mẫu Sơn được thiên nhiên ưu đãi không chỉ riêng về địa hình, khí hậu mà còn có những sản vật độc đáo hấp dẫn du khách. Đào Mẫu Sơn được đồng bào dân tộc Dao trồng dưới các khe sâu của vùng núi Mẫu Sơn, quả to, giòn, vị ngọt thanh đậm chất núi rừng từ lâu đã gắn liền với hình ảnh Khu du lịch Mẫu Sơn.


 
Một số hình ảnh đẹp
Đào Mẫu Sơn Lạng Sơn












Wednesday, June 27, 2018

Cháo Cá Hạ Long

Cháo Cá Hạ Long
Bạn hãy tham gia tour du lịch hạ long để được thưởng thức món cháo cá thơm ngon bổ dưỡng. Món ăn được chế biến với nguyên liệu là các loại cá được khai thác từ biển có giá trị dinh dưỡng cao.

 



Có thể có nhiều loại cá biển dùng để nấu cháo, song phổ biến ở đây người ta dùng cá song hoặc cá mú. Cá song hoặc cá mú tươi làm sạch, nhúng chúng vào nồi cháo đang sôi, cháo được nấu trước cháo trắng chưa cho kèm thứ gì, cá chín vớt ra gỡ lấy thịt nhớ gỡ thật khéo sao cho không lẫn xương. Miếng thịt cá nào to, dùng tay xé nhỏ. Phần xương, đầu cá... cho vào cối giã nát, sau đó lấy nước cháo đổ vào, lọc, gạn rồi cho trở lại nồi cháo; giã, lọc, gạn vài lần như thế. Cháo nhừ thì cho thịt cá vào, khuấy đều.

 

Thịt cá trước khi cho vào nồi cháo có hai cách làm, tuỳ theo ý thích, mỗi cách có cái ngon riêng. Hoặc cứ để nguyên như thế cho vào. Thứ cháo này sẽ dậy mùi thơm của thịt cá tươi. Hoặc phi hành mỡ nóng già, cho thịt cá vào xào, nêm chút nước mắm, hạt tiêu, xong mới cho vào; cháo sẽ dậy mùi hành mỡ phi thơm, thịt cá săn chắc, nếu muốn cho bát cháo dậy màu khi xào thịt cá cho thêm chút bột nghệ xào lẫn.

 

Những gia vị không thể thiếu cho một bát cháo cá, đó là hành hoa thái nhỏ, rau mùi tàu thái nhỏ và một ít rau răm thái nhỏ.

 

Cháo cá không được đặc, cũng không được loãng quá, vừa sánh là được. Nêm mì chính, gia vị. Nếu ai ưa nước mắm thì nêm nồi cháo sẽ cho nhiều nước mắm hơn bột canh, và ngược lại, có thể chỉ dùng bột canh để nêm cháo. Cháo cá phải ăn nóng, ăn đến đâu múc từ nồi ra tới đó. Chịu được cay thì rắc hạt tiêu.

 

Cách nấu cháo của người dân nơi đây cũng rất độc đáo. Họ làm suốt đêm, cứ hai tiếng lại kéo lưới một lần. Trên thuyền, họ đặt sẵn một nồi cháo âm ỉ sôi vần ghé cạnh bếp than. Khi đánh được cá, tôm, lúc nào cần ăn cháo, thích ăn con gì thì họ mở vung nồi, bỏ nhanh con đó vào, úp nhanh lại vung, giữ chặt. Cá, tôm còn sống nguyên gặp nóng, giãy rất mạnh trong nồi, nhiều khi muốn đẩy bật nắp vung ra. Chờ chín, họ gỡ lấy thịt, bỏ lòng, xương, cho muối vào, khuấy đều. Thế là được cháo.

Một số hình ảnh đẹp
Cháo Cá Hạ Long
Cháo Cá Hạ Long












Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh

Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh
Bánh canh Trảng Bàng đã trở nên nổi tiếng và dễ nhớ bởi nó gắn liền với tên của địa phương Trảng Bàng (thuộc tỉnh Tây Ninh).

 



Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn làm bánh canh rất công phu. Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.

 

Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.

Một số hình ảnh đẹp
Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh
Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh












Monday, June 25, 2018

Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc

Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc
Bánh gai dùng trong lễ tết, cưới hỏi, khao thọ, quà biếu, làm thức ăn đi đường xa… bánh gai dùng làm món ăn khai vị, tráng miệng hoặc ăn lấy no, lấy chán hay nhâm nhi với chén trà, ly rượu cũng đều hợp khẩu vị.

 



Bánh gai thời xưa còn được các cụ thích chơi chữ nho dùng làm câu đối, làm quân cờ tướng, làm đồ dùng dạy học cho các ông đồ… cũng rất trang trọng và cũng thực dụng. Bánh gai có lợi thế là bảo quản được khá lâu. Bánh có thể làm được quanh năm, thông thường là vào đông xuân.

 

Quê tôi miền trung du Vĩnh Phúc, làng tôi giáp với bãi sông Hồng nên đất làng rất hợp với cây gai, loài cây bụi lá to như lá trầu có lông mịn toả hương thơm đồng nội rất đặc trưng. Lá tươi hoặc lá khô dùng làm bánh gai cũng đều ngon. Có nhiều vùng quê biết làm bánh gai rất ngon nhưng tôi vẫn thích bánh gai của quê tôi. Nhất là những chiếc bánh do chính người nhà mình làm ra.

 

Lá gai tươi hái về rửa sạch, luộc xong vắt kiệt nước, cho vào cối giã, nhặt bỏ các cuống và sống lá to. Tiếp tục cho lá gai khô đã làm sạch vào giã lẫn cho thật tươi thành bột nhỏ mịn.

 

Gạo nếp hoa vàng ngâm nước khoảng 2 giờ, đãi sạch rồi đem xay thành bột mịn. Hai thứ bột đó đem trộn đều vào với nhau theo tỷ lệ 5 phần bột nếp 1 phần bột lá gai, rắc đều thêm chút lạc rang giã vụn. Tất cả đem trộn với mật mía cho vừa đủ dẻo để có thể nặn thành những tấm bánh có nhân bên trong bằng đỗ xanh đãi, thêm chút sợi cùi dừa điểm mứt sen, dầu chuối… Lăn bánh qua vừng đã rang rồi dùng lá chuối khô gói lại hoặc nặn tròn hình bánh xe vuông quân cờ rồi bao quanh bằng mảnh lá dừa. Thích chơi chữ thì hai mặt bánh được khéo léo rắc vừng hiện lên những chữ to tuỳ ý, từ “Phúc - Lộc - Thọ” đến cả hàng câu đối, bài thơ hoặc cả bộ quân cờ tướng…

 

Bánh làm xong lần lượt được xếp vào chõ để đồ chín. Đây là khâu quyết định bánh ngon hay dở. Phải xếp bánh vào từ lúc nước còn chưa sôi, đậy vung đun lửa đều để cho bánh ngấm nhiệt từ từ thấm vào bên trong, nếu nóng vội bánh chỉ chín phần vỏ bên ngoài. Đun sôi khoảng hơn 1 giờ là bánh chín. Bánh gai ăn nguội mới ngon.

 

Quê tôi là vùng đất học nên cũng có khá nhiều chuyện vui vẻ về những tấm bánh gai. Một ông đồ dạy mãi mấy chữ nho mà học trò vẫn học trước quên sau. Ông đành bảo bà đồ làm cho mẻ bánh gai trần hình tròn, hình vuông như những quân cờ lớn, mỗi mặt bánh ông rắc vừng thành mỗi chữ. Học trò đọc được thông thạo chữ nào ông thưởng luôn bánh có chữ đó. Bằng cách ấy học trò của ông vừa được ăn bánh lại vừa được ăn chữ nên rất mau thuộc bài.

 

Hai ông chơi cờ tướng, quân cờ toàn là bánh gai bày trên mâm xà đã kẻ ô bàn cờ, cạnh đó là ấm trà và nậm rượu, mỗi nước cờ thắng ăn quân lại được ăn cả bánh gai luôn. Những anh ngồi chầu rìa bên ngoài mách nước thắng lợi cũng được chia vui bằng quân cờ đưa lên miệng, càng khuyến khích giúp anh thắng chén sạch quân của anh thua.

 

Ông ngoại tôi vốn là nhà nho, Tết đến bao giờ ông cũng nhờ bà làm bánh gai trần thật to để ông tự tay rắc vừng nổi hình những chữ nho thật đẹp, để xếp thành câu đối, những bài thơ xuân rồi trang trọng bày trên bàn thờ. Ông còn cho các cháu chơi trò chơi chọn chữ hoặc đố chữ đầu xuân, ai lật được tấm bánh gai có chữ “nhất” chữ “nhị”, chữ “tam”… cũng sẽ được ông mừng tuổi 1 đồng, hai đồng hoặc ba đồng… Gặp chữ “cát” ông dặn dò cố học hành chăm ngoan sẽ giỏi giang, gặp chữ “hung” thì phải cẩn thận cả khi học khi chơi để tránh rủi ro…

 

Chỉ từ tấm bánh gai bình dị, ông cha ta đã kết hợp cùng nếp sống văn hoá để tạo thêm sự đậm đà bản sắc quê hương

Một số hình ảnh đẹp
Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc












Sunday, June 24, 2018

Xôi ống Huế

Xôi ống Huế
Đến với đồng bào Pacooh, Ta-oi, hay Katu, thỉnh thoảng, chúng ta được người đồng bào thết đãi một loại xôi được nướng trong ống nứa. Cũng như bánh sừng trâu, rượu cần, xôi nướng ống nứa trở thành một đặc sản ẩm thực của các đồng bào ở phía Tây Thừa Thiên Huế.

 



Không phải loại ống nứa nào cũng có thể dùng để nướng xôi được. Người đồng bào thường vào các bìa rừng chọn cây nứa vừa ra cành, chặt mang về. Theo đồng bào, cây nứa như thế mới cho nước của cây nứa hòa vào xôi khi nấu, tạo ra mùi thơm, vị ngọt. Nứa được chặt ra thành từng ống, có một mắt nứa. Bên cạnh đó, người đồng bào dùng lá dong để gói nếp, trước khi bỏ vào ống nứa.

 

Nếp để nướng trong ống nứa là nếp Cu-char, người Kinh gọi là nếp than. Đồng bào Pacooh, Ta-oi xem đây là loại nếp quý nhất. Gọi là nếp than vì sau khi giã, nếp có màu hồng đen giống như có bỏ tro than vào.

 

Người đồng bào không ngâm nếp vào nước lạnh trước khi bỏ xôi vào ống nứa để nướng như người Kinh nấu xôi. Trước khi nhồi nếp vào ống, người làm sẽ lấy một tấm lá dong hơi non, cắt phần cuốn lá. Lá dong hơi non có độ mềm, không giòn, dễ bỏ vào ống nứa hơn lá dong già. Người làm ngửa lá dong ra và bỏ nếp vào giữa. Sau đó, gấp các mép hai bên và phần gốc của lá dong lại và cuộn theo nắm nếp. Tiếp theo, người ta luồn cuộn lá dong có nếp đó vào ống nứa. Việc luồn cuộn lá dong phải làm từ từ và nhẹ nhàng, bởi làm nhanh sẽ gây rách lá dong.     

 

Người ta tiếp tục bỏ nếp vào cuộn lá dong cho đến khi nó vừa đầy thì cuộn phần ngọn lá lại. Sau đó, người ta dùng một cái cây nhỏ gần bằng miệng ống nứa để đẩy cuộn lá dong có nếp xuống tận đáy ống. Một ống nứa thường được bỏ hai đến ba cuộn nếp như vậy. Bỏ các cuộn nếp xong, người làm mới đổ nước lạnh vào ống nứa. Đổ cho đến khi ống nứa đầy nước mới thôi. Tiếp theo, người làm lại cuộn một lá dong khác thành một cái nút để đậy kín ống nứa. Lần lượt như vậy.

 

Ông Quỳnh Ngơi, già làng của làng Ân Triêng 2, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, cho biết: “Để nướng xôi ống được ngon thì phải thực hiện các bước như sau. Thứ nhất là chọn nếp Cu-char hong khô bằng than, bằng bếp lửa. Thứ hai là phải chọn loại nứa mỏng vỏ và không già. Bởi lẽ, nước nứa cũng làm cho xôi ngon và có vị mát nữa. Thứ ba là phải chọn lá dong rừng nhưng không để quá hai ngày. Vì có như thế thì lá mới còn chất được. Thứ tư là phải ngâm nếp trong ống nứa thật lâu để nếp nở ra. Từ nhỏ, mỗi lần thấy ba mẹ mình nướng xôi, tôi thích lắm. Vì được ăn, được học cách nướng. Mỗi lần như vậy, sung sướng lắm”.

 

Nếp được ngâm nước lạnh trong ống nứa chừng khoảng hai tiếng đồng hồ rồi mới bắt đầu nướng. Điều quan trọng khi nướng xôi ống nứa là lửa nhỏ và cháy đều. Ban đầu, hong lửa ở đáy ống. Sau đó, xoay đều và lần lượt hong lửa lên phía trên miệng ống. Dần dần, nước trong ống nứa sẽ sôi và làm chín nếp thành xôi. Ống nứa một lúc sẽ bị cháy đen bên ngoài. Nước sôi trong ống phun hơi qua cái nút. Đến lúc nào nước bốc hơi hết thì xôi đã chín. Người nướng xôi sẽ lấy ống xôi nướng dựng ngược bên bếp. Như thế sẽ khiến cho xôi ráo và cứng hơn khi nguội.

 

Xôi ống ăn ngon nhất là một ngày sau khi nướng. Bởi lẽ, sau một ngày, xôi có vị thơm rất đặc trưng của nứa cháy, vị ngọt của nước cây nứa hòa với vị ngọt của nếp than. Mặc khác, nó cũng dẻo hơn. Khi ăn, người ta sẽ tước ống nứa và lấy từng cuộn xôi trong ống ra. Bóc lớp vỏ lá dong. Xôi nướng ống nứa có màu hồng nhạt. Nó dùng để ăn với cá khô chấm muối ớt, với gà luộc hoặc với rau rừng. Một lần thưởng thức nó, nhớ mãi.

 

Ông T'ra Nau Hạnh, một người nghiên cứu văn hoá Pacô nói: “Cũng như bánh sừng trâu và rượu cần, xôi ống được sử dụng khi có khách, có lễ, tết. Nó thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà với ông bà tổ tiên, với các giàng, với khách. Trong văn hóa của người Pacooh chúng tôi, quan trọng là sự hiếu khách và thể hiện tấm lòng của mình. Nếp bỏ trong ống nứa và nướng cũng như cái bụng mình lúc nào cũng nồng ấm với mọi người. Ống nứa giống như cái bụng vậy”.   

 

Món ăn truyền thống, xôi ống, của đồng bào được sử dụng để đãi khách hoặc cúng các giàng trong dịp lễ, tết. Nó là một phần không thể thiếu của những cuộc vui, những dịp lễ tết, giống như hơi men của rượu cần nơi miền rừng núi./

Một số hình ảnh đẹp
Xôi ống Huế












“Nhân sâm của biển đảo Cô Tô ” : Hải sâm

“Nhân sâm của biển đảo Cô Tô ” : Hải sâm
Dưa chuột biển hay đỉa biển đều là tên gọi khác của một nhóm động vật biển khá quen thuộc, có mặt ở khắp các bãi biển trên thế giới. Và ở Việt Nam, hải sâm sinh sống và phát triển chủ yếu tại các vùng biển đảo, trong đó đảo Cô Tô ( Vân Đồn, Quảng Ninh) là một trong số những hòn đảo có tiềm năng lớn về hải sâm.



Trung bình con hải sâm có kích thước dài khoảng 20cm –>40cm, không sương, phần lớn phần da rất dầy,chúng là loài rất hiền nhưng rất rế gây sợ hãi cho những bạn lần đầu tiên thấy chúng,đặc biệt chung tấn công con mồi bằng một loại tơ rất dính nếu tay bạn mà dính vào nhựa của chúng thì gỡ rất khó nữa là con mồi.

 

Hình dáng bề ngoài hơi đáng sợ nhưng hải sâm là một món ăn rất bổ và quý hiếm, có giá trị rất lớn


Hải sâm bắt về làm sạch, và trắng , sau đó ngâm phèn chua cho sạch, để khô nước. Đem thái nhỏ , mỏng sào với cần tây,cà rốt,pha chút thịt bò tươi nữa, rất ngon và thơm.

 

Hải sâm rất hữu ích cho sức khỏe,phòng được bệnh sỏi thận,suy nhược cơ thể,bổ âm tráng dương. Nếu bạn không thích món xào,bạn có thể nấu canh hải sâm,hay hầm với thuốc bắc, rất bổ.

 

Biển đảo Cô Tô có một tiềm năng lớn để phát triển, nuôi cấy hải sâm

Đến khu hòn Khe Châu, thị trấn Cô Tô, ta có thể ngỡ ngàng trước quy mô nuôi hải sâm của anh Lâm Văn Giang, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nuôi hải sâm trên địa bàn tỉnh. Nuôi thủy sản từ rất lâu, nhưng vài năm trở lại đây anh Giang mới bắt đầu nuôi hải sâm. Do chưa mua được giống ở các trại sản xuất tập trung nên việc thả nuôi chủ yếu theo hình thức thu mua con giống từ việc khai thác tự nhiên của người dân. Từ năm 2008, với 20ha mặt nước, mỗi vụ nuôi gia đình anh thả bình quân từ 3 – 4 tấn hải sâm giống, chủ yếu là hải sâm đen và một lượng nhỏ hải sâm cát. Hải sâm thường được thu hoạch vào khoảng tháng 7, 8 hàng năm, đây là lúc thân của hải sâm dày hơn, bình quân đạt 4 con/kg, nếu khai thác vào thời điểm khác thì hải sâm mỏng hơn, chỉ đạt kích cỡ bình quân 7 con/kg. Đặc biệt, hải sâm cát là hải sản có giá trị kinh tế khá cao. Giá thu mua loại hải sâm ổn định ở mức trên 100 – 200 USD/kg khô. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước cũng như nước ngoài đối với loại hải sản này rất lớn…

 

Món cơm cháy hải sâm

Thức ăn của hải sâm là các sinh vật nhỏ như tảo, các chất mùn bã hữu cơ, nên hải sâm được ví như các “môi trường viên của biển”. Khi trời mưa bão, biển động, hải sâm ẩn vào các hốc đá, chờ đến khi thời tiết thuận lợi mới bắt đầu bơi đi kiếm ăn. Một trong những cách chúng bắt mồi là nằm yên một chỗ, các xúc tu mở ra và bắt những sinh vật nhỏ trôi theo dòng nước biển. Có thể tìm thấy chúng với số lượng lớn ở cạnh các trang trại nuôi cá biển.

 

Hải sâm có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn

Nói là kỹ thuật nuôi đơn giản, song do hải sâm là loài hải sản “khó tính” với môi trường nên việc chọn môi trường nuôi phù hợp là hết sức cần thiết. Những khu vực có rạn san hô cùng với hệ thực vật phong phú và đáy cát, bùn là những địa điểm lý tưởng cho hải sâm sinh sống. Ngoài ra, các eo, vịnh, ít bị tác động của sóng gió, ít bị ảnh hưởng trực tiếp của nước ngọt đổ vào cũng là môi trường rất thuận lợi để thả nuôi hải sâm.

 

Nếu đến Cô Tô, hãy nhớ thưởng thức món ngon này













Thursday, June 21, 2018

Bún tôm Hải Phòng

Bún tôm Hải Phòng
Từ lâu món bún tôm của miền biển này đã trở thành một đặc sản, hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn ở nguyên liệu và bí quyết độc đáo riêng.

 

 



Nguyên liệu chính làm nên sức hấp dẫn cho món ăn này chính là những con tôm biển còn tươi nguyên được đưa lên từ Hải Phòng. Sau đó, chúng được bóc bỏ vỏ, xào cùng một chút hành khô cho thật săn. Cùng với tôm là những miếng chả cá vàng ươm, vài miếng chả lá lốt, thêm ít dọc mùng, thì là, rắc thêm một chút hành răm thái nhỏ và mấy lát cà chua.

 

Bát bún tôm càng thêm đậm đà bởi vị ngọt, ngậy đặc trưng của nước dùng hàng bún, cùng với vị thơm của tôm, của rau và các loại gia vị. Thực khách yêu thích món bún tôm Hải Phòng đã ăn một lần là nhớ mãi đến hương vị ngọt lừ của món ăn độc đáo ấy.

 

Từng sợi bún trắng mềm hoà quyện vào màu đỏ của tôm, cà chua, màu xanh của hành, của dọc mùng và màu vàng của chả cá tạo nên một bức tranh sống động nhiều màu sắc.

 

Trong khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngậy của nước dùng, vị thơm của tôm, của chả cá và đặc biệt là mùi hăng hăng không thể thiếu của vài miếng chả lá lốt.

 

Nhưng đặc biệt hơn cả là hương vị của nước me chua thay thế hoàn toàn cho dấm và chanh vốn là những gia vị mà chúng ta đã quá quen thuộc. Món bún ăn kèm với một ít rau sống và thêm vào vài miếng ớt khi ăn. Tất cả làm nên một tô bún tôm thật đặc biệt và hấp dẫn.

Một số hình ảnh đẹp
Bún tôm Hải Phòng












Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

 



Nguyên liệu làm bánh của đồng bào được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

 

Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Củi để luộc bánh phải là củi gỗ to, giữ than tốt, khi luộc xếp bánh vào nồi, đậy kín vung. Lúc nồi bánh chưa sôi thì đun to lửa,  khi nồi bánh đã sôi giữ lửa đều, đủ nhiệt để bánh chín nhuyễn, chín đều, đun từ 6-7 tiếng. Khi chín vớt ra cho vào chậu nước rửa qua và treo bánh thành từng cặp để cho bánh không bị mốc. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

 

Bánh chưng đen của người Thái được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với than núc nác, hoa cây vừng đen, vị ngọt làm người ăn như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên nơi miền Tây Yên Bái.

Một số hình ảnh đẹp
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen Mường Lò












Saturday, June 16, 2018

Bún chả Nam Định

Bún chả Nam Định
Bún chả Hàng Đồng, bún chả Nhà Thờ… luôn là những địa chỉ ngon nhất nhì Nam Định. Không có chả băm viên, không nướng thịt có bì như ở Hà Nội, thịt được dùng để nướng chả ở Nam Định là thịt nạc mềm được tẩm ướp gia vị kỹ càng. 



Khi nướng, chả được kẹp vào que tre rồi nướng trên than củi (than hoa), sau đó quạt phe phẩy để thịt chín đều, thơm mà không bị cháy. Chấm vài lá bún vào thứ nước chấm chua ngọt thanh thanh trong bát thịt nướng thơm lừng đượm khói, thêm dưa góp, hành tây và rau húng xanh mát thì bất kể hè hay đông, có lẽ không ai có thể chối từ được
Một số hình ảnh đẹp
Bún chả Nam Định












Friday, June 15, 2018

Đậm đà bún mắm Gia Lai

Đậm đà bún mắm Gia Lai
Bún mắm bình dị, đơn giản với rau sống, bún tươi, chả, thịt... cùng chén mắm chan mang hương vị đậm đà sực nức mũi.


Không phải bát bún mắm đầy ngập nước với sợi bún to, cùng tôm, thịt quay, mực... của người miền Tây, bún mắm Gia Lai có sợi bún nhỏ, ăn kèm các loại rau sống, nem, chả và chén mắm nêm nổi tiếng của người miền Trung.

 

Có nguồn gốc từ miền Trung, nhưng không biết từ khi nào, món bún mắm dân dã này đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của người dân phố núi Pleiku. Thành phần món ăn đơn giản với bún và mắm cùng một ít rau sống. Đơn giản là thế, nhưng với những người đã một lần thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được cái hương vị thơm ngon, đậm đà mà nó mang lại.

 

Mắm nêm là thành phần chính, quyết định sự ngon miệng của món ăn. Đây là loại mắm rất nổi tiếng của người dân miền Trung. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hủ đậy kín lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà lại hơi khẳm rất đặc trưng. Khi ăn với bún, mắm được thêm vào nhiều gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm rất ngon.

 

Một bát mắm đầy đủ với rau sống xếp dưới cùng, bên trên là bún tươi, rồi đến thịt luộc, chả, nem, ít dưa leo cùng chén mắm nêm và mang ra cho thực khách. Chan mắm nêm vào tô búng và trộn đều, trộn đến đâu, mùi mắm nêm thơm nức bốc lên, kích thích vị giác của bạn, tạo cảm giác muốn ăn ngay.

 

Ăn bún mắm Gia Lai cảm nhận cái vị cay nhẹ của ớt, cái béo của chả, vị chua của nem, hương thơm của các loại rau hòa cùng hương vị đậm đà của mắm khiến bạn ăn một cách ngon lành, ăn đến đâu cảm giác thích thú lan tỏa đến đó.

 

Do tính cách nhẹ nhàng của người phố núi mà chén mắm nêm không quá mặn, hơi cay the rất vừa ăn. Giá của bún mắm nêm rẻ hơn các loại thức ăn khác, một phần vì món ăn dân dã, một phần vì mắm nêm kén người ăn. Nhưng với những người đã thưởng thức được món này thì sẽ bị hương vị của mắm nêm quyến rũ và khó dừng đũa khi mới ăn một bát.

Một số hình ảnh đẹp
Đậm đà bún mắm Gia Lai
Đậm đà bún mắm Gia Lai
Đậm đà bún mắm Gia Lai












Wednesday, June 13, 2018

Cá bắp nẻ nướng

Cá bắp nẻ nướng
Cá bắp nẻ đen có hàm lượng dinh dưỡng cao và vị ngọt thịt tự nhiên, được đánh giá cao về chất lượng ẩm thực. Cá chỉ thích hợp chế biến khô nên món nướng luôn được lựa chọn. Chỉ cần làm sạch cá, khứa hình thoi trên thân rồi ướp với muối ớt xanh, nướng chín vàng là bạn đã có món nướng hấp dẫn để nhâm nhi cùng người thân, bạn bè.



 
Một số hình ảnh đẹp
Cá bắp nẻ nướng












Tuesday, June 12, 2018

Phở trộn Hà Nội

Phở trộn Hà Nội
Nếu bạn là người mê phở Hà Nội, quá quen thuộc với món phở nước ăn sáng, hãy thử đổi món với phở gà trộn độc đáo cho bữa tối, nơi phố cổ.

Từ lâu, phở Hà Nội đã trở thành một thương hiệu mà bất cứ vị khách nào đặt chân tới đây đều muốn một lần thưởng thức, bởi sự tinh tế, cầu kỳ trong cách chế biến. Trong những năm trở đây, người Hà Nội có nhiều biến tấu với món phở truyền thống trứ danh như phở cuốn, phở chiên phồng làng Ngũ Xã.... Đặc biệt, không thể không kể đến món phở trộn gà nhiều năm nay đã níu chân được nhiều thực khách khó tính.

 

 



Được xếp vào một trong các hàng phở gà ngon nhất khu phố cổ, quán phở gà vỉa hè ở phố Lãn Ông hầu như tối nào cũng đông nghịt khách. Từ 7h tối trở đi, hầu như các bàn đều đã kín. Trong số nhiều món ăn của quán thì phở gà trộn là món được nhiều người ưa dùng nhất, bởi chút lạ mà quen của món ăn này.

 

Với những ai đã quá quen thuộc với phở nước để ăn sáng, thì giờ đây đã có thêm sự lựa chọn với món phở trộn để ăn tối. Phở gà trộn được chế biến đơn giản từ nguyên liệu chính của món phở gà nước cổ điển nhưng được thay đổi một chút trong cách ăn.

 

Bánh phở được chần qua, thịt gà xé nhỏ, thêm chút hành phi, lạc rang, rau thơm; sau đó trộn đều với xì dầu, mỡ gà cùng một vài gia vị với công thức đặc biệt để phở ăn không hề ngấy mà vẫn dậy lên được vị ngậy ngậy của thịt gà.

 

Đặc biệt, ở quán thịt gà dùng để trộn luôn là thịt gà ta, ngọt và chắc thịt; lớp da gà được luộc vừa đủ lửa có màu vàng ươm rất ngon mắt. Sợi phở trắng, mềm và dai, trộn rất vừa miệng, không hề có vị khét và mặn của xì dầu.

 

Khi gọi phở trộn, khách hàng sẽ được phục vụ thêm một bát nước dùng cho dễ ăn, vốn là nước luộc gà cùng một vài gia vị nêm nếm. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều thực khách thì nước dùng này thường hơi mặn, do đây là nước dùng cho nhiều món ăn khác của quán như miến nước, bún thang.

 

Ăn kèm với phở trộn gà, nhiều khách tới đây thường hay gọi món nộm gà bắp cải. Nguyên liệu chính của món này là bắp cải thái chỉ, ăn chung với thịt gà, rau dăm và hành phi. Cũng tương tự như những món nộm khác, nộm gà bắp cải cũng được trộn với thứ nước chua chua ngọt ngọt từ đường và giấm, hòa quyện với lạc rang bùi bùi, hành phi thơm nức cùng bắp cải tươi giòn khiến món ăn trở nên độc đáo, mới lạ. 

 

Đặc biệt là sau bát phở trộn nhiều đạm, bạn chỉ cần ăn thêm món nộm này là đã có một bữa tối hoàn chỉnh, no căng và đủ chất.

 

Điểm trừ duy nhất của quán là giá cả không mấy dễ chịu, nhất là trong thời kỳ 'bão giá' hiện tại, khoảng 50.000 đồng mỗi bát. Tuy nhiên, với vị trí ở trung tâm khu phố cổ và chất lượng món ăn luôn đảm bảo, quán vẫn thu hút được lớn các bạn trẻ, cũng như những gia đình tới đây ăn vào mỗi tối.

 

Nhiều vị khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài, nghe danh tiếng của phở Hạnh, 65 Lãn Ông từ lâu, nên khi đặt chân tới Hà Nội cũng phải nếm thử bằng được một lần cho thỏa trí tò mò.













Cháo sò huyết Cần Thơ

Cháo sò huyết Cần Thơ
Món cháo sò huyết là món ăn bình dân ở thành phố Cần Thơ, tập trung nhiều nhất dọc theo vỉa hè đường Lý Tự Trọng. Sò huyết, một loại hải sản nhiều chất dinh dưỡng, bổ máu, tăng cường sinh lực và thơm ngon.



Chế biến cháo sò huyết cũng thật đơn giản: Sò được rửa kỹ cọ sạch vỏ rồi cho vào nước sôi từ 3-5 phút. Khi sò tách miệng, vớt ra lấy ruột rồi đem phi tỏi mỡ, hành tím cắt mỏng cho thơm, tra bột ngọt, mắm muối vừa ăn. Để có một bát cháo sò huyết ngon hợp khẩu vị, người nấu phải làm sao để sò phải giòn và mềm. Có lẽ đây là một bí quyết nhà nghề" của người nấu. Khi khách đã yên vị, thì chủ hàng múc cháo ra bát,, để sò lên trên rồi rắc hành, ngò, tiêu vào. Trên bàn bày một đĩa bánh củ cải (thường được dùng ăn kèm với cháo), một lọ nước mắm, và một đĩa chanh ớt, tùy ý khách có thể cho thêm để hợp khẩu vị mình.

 

Để tăng giá trị bổ dưỡng, chữa bệnh, cháo sò huyết còn có thêm đậu xanh và thịt lợn. Sò sau khi đã rửa sạch sẽ, không luộc bằng nước sôi mà dùng dao tách đôi vỏ lấy ruột sò ra để đảm bảo độ dinh dưỡng cao. Thịt nạc lợn sau khi đã băm nhuyễn cùng ruột sò được phi qua với hành tím trong mỡ vừa chín tới, nêm gia vị mắm muối, bột ngọt, tiêu cho vừa ăn. Gạo cũng vo sạch, để ráo nước. Đổ gạo vào chảo mỡ nóng đã khử tỏi, rang cho bột gạo se lại, ngả màu vàng là được. Nêm vào gạo rang chút bột ngọt và muối. Xong bắc nước đun sôi, đổ đậu và gạo rang vào nấu nhừ. Khi ăn cho hỗn hợp thịt lợn, sò huyết vào cháo, thêm hành lá thái nhỏ, nêm vừa ăn, tùy theo khẩu vị từng người. Khi múc cháo ra bát, rắc thêm tiêu và để lên trên vài cọng ngò. Món cháo sò huyết thật tuyệt vời khi vừa ăn vừa thổi mới thấy vị ngon hấp dẫn của nó.

 

Cháo sò huyết khác nào một phương thuốc "thần hiệu" mỗi khi ăn, sẽ làm ta quên hết ưu phiền mệt mỏi sau một ngày lao động mệt nhọc. 

Một số hình ảnh đẹp
Cháo sò huyết Cần Thơ












Bánh bột lọc chan mắm chua ngọt

Bánh bột lọc chan mắm chua ngọt
Giữa những ngày xuân se lạnh của Hà Nội, nhìn món bánh bột lọc được chan nước mắm nghi ngút khói, thật khó ai có thể cầm lòng được.

 

Là một trong những loại bánh đặc trưng của xứ Huế, ấy vậy mà khi ra đến thủ đô, bánh bột lọc lại được chế biến vừa khéo lại vừa lạ dưới bàn tay người Hà Nội. Những miếng bánh bột lọc trong vắt được làm từ bột năng, cùng phần nhân bên trong được băm nhỏ gồm tôm, thịt lợn và nấm hương, mộc nhĩ, trộn đều cùng gia vị và hạt tiêu để dậy mùi thơm.

 



Những buổi chiều đông lạnh, ghé chân vào quán nhỏ, thưởng một bát bánh bột lọc nóng hổi thì còn gì bằng. Khác với bánh bột lọc truyền thống để nguội và chấm với mắm nhĩ, bánh bột lọc ở Hà Nội được dùng kèm nước mắm pha chua ngọt và rau sống, dùng ngay khi còn nóng. Bánh bột lọc chan nước mắm giờ đã phổ biến tại Hà Nội và trở thành món ăn quen thuộc vào mùa đông của nhiều người ở đây.

 

Món bánh có ngon hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nước mắm được pha. Thế nên, quán nào nổi tiếng, hẳn phải nhờ công cô chủ quán có tài pha nước mắm thật khéo. Thêm một chút vị cay từ ớt, vừa ăn bánh lại xì xụp húp nước, chỉ cần một bát cũng khiến bạn đủ no căng và ấm bụng.

Một số hình ảnh đẹp
Bánh bột lọc chan mắm chua ngọt












Monday, June 11, 2018

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình
Khi nhắc đến ấm thực của đất cố đô Ninh Bình, không thể không nhớ đến câu "rượu ngon, cơm cháy, thịt dê". Đây là những món ẩm thực nổi tiếng đã được lan truyền cả nước vì sự đặc sắc, đậm đà bản sắc của vùng đất truyền thống lâu đời này.

 



Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy muốn có chất lượng, đúng tiêu chuẩn phải quan tâm đầu tiên đến việc chọn gạo, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm.

 

Để tạo xém, người ta thường dùng nồi gang dày. Khi cơm chín thì lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục cấp nhiệt. Thời gian tạo xém khoảng vài chục phút là vừa. Trong khi nấu, cần xoay tròn nồi cho nóng đều, lớp cơm cháy mỏng, trắng đều sẽ được hình thành và tự bong ra khỏi thành nồi. Người ta lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nylon dùng dần. Khi khách có nhu cầu, nhà hàng mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chưng lên. Miếng cháy nóng hổi sẽ được vớt ra cho khách dùng cùng với món súp thường bằng tim, gan, cật lợn cũng nóng hổi.

 

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô. Ngày nay, còn có riêng một dòng cơm cháy gia truyền nổi tiếng và thơm ngon mang tên Hoàng Thăng.

 

Cơm cháy hẳn là món ăn được nhiều người ưa chuộng khi đến vùng đất Cố đô. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Từ khi Ninh Bình phát triển mạnh các khu du lịch, đặc sản thịt dê núi cũng góp phần giúp cơm cháy Ninh Bình phát triển vì nước sốt chan cơm cũng sử dụng thịt dê, thịt dê ít béo nên có thể ăn với cơm cháy mà không ngán. Hầu như các nhà hàng ăn ở đây đều cung cấp thịt dê núi đi kèm với cơm cháy. Cơm cháy không chỉ là món ăn truyền thống của mỗi gia đình ở Cố đô Hoa Lư... mà còn được bày bán như món quà du lịch cho khách thập phương.

 

Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị thơm cốm mới mà vẫn nặng nghĩa tình phù sa. Cơm cháy ngon, đúng tiêu chuẩn phải chọn gạo rất cầu kỳ, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm. Để tạo xém, người ta thường dùng nồi gang dày để nấu cơm. Khi cơm chín thì lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục cấp nhiệt. Thời gian tạo xém khoảng vài chục phút là vừa. Trong khi nấu, cần xoay tròn nồi cho nóng đều, lớp cơm cháy mỏng, trắng đều sẽ được hình thành và tự bong ra khỏi thành nồi. Người ta lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nilon dùng dần. Khi ăn mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chưng lên. 

 

Cơm cháy được người dân nơi đây chế biến và bày bán quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè. Ngày lạnh người ta thưởng thức món cơm cháy chà bông, còn mùa nóng là cơm cháy kèm nước xốt dẻo thơm. Hương vị đặc biệt của nó còn nằm ở sự kết hợp giữa miếng cơm và các loại thức ăn kèm. Cầu kỳ hơn, người ta khéo léo khi dùng nước xốt, nước mắm mỡ hành, tôm băm hoặc thịt chà bông… làm thức ăn kèm cho món đặc sản này. Thông thường có thịt hoặc tim, cật lợn làm súp với một số loại rau như hành tây, nấm rơm và cà chua. Nước xốt ăn kèm cơm cháy thường có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy.

 

Ngày nay, ở Ninh Bình có nhiều nơi kinh doanh món cơm cháy, nhưng món cơm cháy gia truyền của ông Hoàng Thăng thường được dân gian coi là nổi tiếng nhất. Nó không chỉ mang theo dự vị ngọt ngào, thiết tha của những người yêu nhau trong sự đợi chờ mà còn lưu giữ và gửi gắm vào đó một thông điệp ngọt ngào: “hãy vươn lên trong cuộc sống, luôn mở rộng vòng tay, hạnh phúc sẽ đến”.

 

Nếu đặc sản dê núi đá đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, thường xuất hiện tại những trung tâm ẩm thực lớn của đất nước như Hà Nội, Sài Gòn, Hạ Long…Rượu Kim Sơn nổi tiếng với hương vị đặc trưng và "sức mạnh" có thể làm gục ngã bất cứ "tay chơi" sành sỏi nào. Thì cơm cháy, thứ đặc sản hàng trăm năm của mảnh đất Cố đô lại là món quà độc đáo cho du khách thập phương khi tới đây thăm quan. 

Một số hình ảnh đẹp
Cơm cháy Ninh Bình












Cá nướng trui Kiên Giang

Cá nướng trui Kiên Giang
Muốn được thưởng thức, du khách nên có một chuyến về U Minh Thượng...


Khi mùa khô đến, cá ở rừng U Minh Thượng bị thu hẹp môi trường sống. Người ta thu hoạch được rất nhiều và chế biến đủ cách thức để ăn ngay hoặc dự trữ ăn dần.

 



Cá nướng trui là một minh chứng điển hình cho phương pháp ẩm thực động vật còn tươi sống. Thông thường, cá lóc sống loại lớn là đối tượng được chọn trong món ăn này. Đôi khi người ta cũng nướng trui cả cá trên vàng hay cá rô mề (cá rô to).


Có hai cách nướng trui cá.


Cách thứ nhất. Sau khi bắt được cá, người ta dùng một que nhọn bằng tre, trúc, có khi còn dùng cả cây sậy già xiên con cá từ miệng đến đuôi. Cá phải còn sống và để nguyên. Sau đó, cá được cặm xuống đất, tủ rơm rạ hoặc cỏ khô rồi đốt. Khi toàn thân cá cháy đen, lúc đó nó đã chín. Qua một lần cạo bỏ lớp ngoài thì món ăn xem như đã làm xong.


Cách thứ hai thường sử dụng trong trường hợp cá sống dự trữ tại gia đình. Người làm bếp tận dụng bếp than củi còn lại của quá trình chế biến những món khác. Nướng cách này  cá lại mau chín và chính hoàn toàn vì nhiệt lượng cao hơn lửa rơm rạ nên năn rất ngon.


Thịt cá nướng trui có mùi vị hấp dẫn. Những chất bổ dưỡng có trong cá chẳng những không bị mất đi khi xử lý nhiệt, mà còn thấm sâu vào từng thớ thịt, trở thành thứ gia vị tự nhiên cho món ăn, không cần phải nêm nếm. Ăn cá nướng trui phải có rau sống và nước mắm ngon. Rau sống ở đây chủ yếu là rau đồng, là những thứ không mất tiền mua, chỉ đi quanh quẩn sau vườn hoặc ra ao nước, bờ ruộng là có.

Mà ăn rau đồng thì rất yên tâm về sức khoẻ do không có phân bón, thuốc trừ sâu.


Ngày nay món nầy ta vẫn thường gặp trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình vùng thôn quê. Qua thời gian với sự phát triển chóng mặt của những phương tiện làm bếp, cách nướng đã có phần khác đi. Nhiều nhà không sử dụng bếp cũi nữa nên chuyển sang nướng bằng bếp than, đôi khi cả gằng bếp gas. Nướng bếp gas vừa khó, vừa không ngon nên ở khu vực thành thị thì món cá nướng trui đã trở nên hiếm gặp. Muốn được thưởng thức, du khách nên có một chuyến về U Minh Thượng

Một số hình ảnh đẹp
Cá nướng trui Kiên Giang












Saturday, June 9, 2018

Cơm lam Phú Thọ

Cơm lam Phú Thọ
Gạo nếp - tinh hoa của đất - giao tình với nước, lửa và những ống nứa non tạo nên một món ăn đơn giản, khiêm tốn nhưng chứa trong đó biết bao nghệ thuật: cơm lam của người dân tộc Mường ở Thanh Thủy - Phú Thọ.

 



Cơm lam bắt nguồn từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đàn ông với túi gạo mang theo, dao và đá đánh lửa cùng ống nứa sẵn có trong rừng, vậy mà nay đã trở thành món đặc sản của Phú Thọ và vùng Tây Bắc.

 

Muốn làm được món cơm lam ngon không đơn giản, bắt đầu từ khâu chọn tre để làm ống. Ống tre được sử dụng để làm cơm lam phải là cây tre cái, không mỏng, không dày. Nếu tre non quá, khi nấu dễ bị nứt vỡ, nhưng nếu tre già quá sẽ không còn lớp màng lụa mỏng, cơm sẽ thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. Ống tre đúng độ tuổi mới có nước ngọt đọng trong thành ống, khi nấu sẽ tạo ra hương vị thơm riêng biệt độc đáo của núi rừng. Không chỉ tre mà nứa cũng ưa được sử dụng bởi lớp màng bên trong mỏng và trong hơn tre.

 

2 xã Yến Mao, Phượng Mao thuộc huyện Thanh Thủy - Phú Thọ có tiếng là cơm lam ngon hơn nhiều vùng khác. Muốn có cơm lam ngon phải có loại nếp ngon, thứ nếp trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10.

 

Gạo vo sạch, ngâm nước chừng 2 - 3 giờ sau đó vớt ra trộn một ít muối cho đều rồi đổ gạo vào ống tre, nứa đã có sẵn nước tự nhiên, đổ thêm nước cho xăm xắp gạo, nút lại bằng lá chuối. Sau đó, dựng các ống cơm ở xung quanh đống lửa, dù lửa to hay nhỏ thì tay người phải xoay trở ống lam khéo léo sẽ giúp cơm được chín đều, chín kỹ mà không bị khét. 

 

Khoảng một tiếng đồng hồ thì cơm chín, lấy ống ra để nguội, dùng dao dóc phần vỏ cháy đen bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn, bóc lớp vỏ còn lại sẽ lộ ra cơm lam dẻo được bao bọc bởi lớp vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa. Thỏi cơm dẻo, thơm mùi lúa nếp mà không hề bị dính tay. Những hạt cơm dính chắc với nhau nhưng không hề nát, nhìn vẫn còn thấy rõ từng hạt trong trong, bóng bẩy. Cơm lam ăn với muối vừng và thịt kho là ngon nhất. Cái ngon của cơm lam là giữ được hầu như trọn vẹn hương vị tự nhiên.

 

Những ai đã một lần được thưởng thức cơm lam Phú Thọ đều không thể quên cái hương vị đặc biệt của món ăn này. 

Một số hình ảnh đẹp
Cơm lam Phú Thọ
Cơm lam Phú Thọ
Cơm lam Phú Thọ












Wednesday, June 6, 2018

Cá lóc nướng trui Vinh Long

Cá lóc nướng trui Vinh Long
Cá lóc nướng trui là một món ăn vừa ngon vừa đơn giản mà bạn không thể bỏ qua khi du lịch miền Tây sông nước. Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt. 



Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm “không chịu nổi”.
Một số hình ảnh đẹp
Cá lóc nướng trui Vinh Long
Cá lóc nướng trui Vinh Long












Tuesday, June 5, 2018

Phi Thanh Hóa

Phi Thanh Hóa
Giữa trưa hè như đổ lửa mà nghe tiếng rao ấy thì cảm thấy dịu hẳn lại. Tiếng rao của các bà các chị bán rong phi (loài thủy sản nước lợ), ngân dài qua các ngả đường của thành phố Thanh Hoá, từ những ngày xa xưa trước 1945 cho tới những năm gần đây.



Phi có hình dáng tựa con trai nước ngọt, nhưng vỏ mỏng hơn và ruột thì trắng nõn.

 

Ở Thanh Hóa, phi thường sinh sống ở các cửa sông. Nổi tiếng nhất về chất lượng thịt và kích cỡ là phi ở Cầu Sài thuộc xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc. Phi nơi này xưa được gọi là phi tiến vua (dâng Vua). Ngoài ra, phi ở cửa Hới (Sầm Sơn) và cửa sông Ghép (Quảng Xương) cũng thuộc loại ngon.

 

Trước khi nấu, người ta ngâm phi trong nước hoà muối hạt với độ mặn tương tự nước lợ trong một ngày hoặc một đêm để nhả hết cát. Sau đó, họ dùng lưỡi dao nhỏ, mỏng ghé tách hai vỏ để lấy ruột. Tiếp theo, xối nước rửa cho thật sạch và bóc gỡ hết diềm đen bám quanh mép phi rồi đợi nước sôi, nêm muối vừa ăn mới thả phi vào và đun thêm chừng 5 phút nữa là được. Trong lúc nấu phi, không cho thêm bất cứ một gia vị nào kể các loại rau thơm, cà chua. Người Thanh Hóa có kinh nghiệm khi nấu, cho ít nước để giữ cho nước canh ngọt.

 

Có điều, phi do nhà tự nấu không ngon bằng do các bà, các chị bán rong. Họ là những người bên làng Bào Giang, nay đã thuộc thành phố Thanh Hoá. Họ có kỹ thuật nấu thế nào đó mà con phi khi chín rồi, không bị teo tóp, vẫn nõn và vẫn “giòn” khi ăn.

 

Phi nấu xong, thì múc “cái” riêng ra khỏi nước. Lúc nào ăn mới gắp phi ra từng bát rồi múc nước chan vào sau. Và phải ăn nguội mới ngon, ngọt và mát.

 

Những ai từng sống ở thành phố Thanh Hoá nay đã chuyển ra tỉnh khác, mỗi khi có dịp trở về vào dịp mùa hè lại muốn được ăn món phi đặc sản. Chỉ tiếc là tiếng rao “Ai phi…mua” đã tắt mươi lăm năm nay, dù con phi vẫn còn bán ở chợ thành phố.

 

Một số hình ảnh đẹp
Phi Thanh Hóa












Monday, June 4, 2018

Rượu ngô của đồng bào Mông

Rượu ngô của đồng bào Mông
Vùng cao phía Tây tỉnh Yên Bái có một hương vị đặc biệt để tiếp khách quí, bạn bè nơi xa, nhất là dịp Tết đến, xuân về. Đó là rượu ngô.

 

Rượu ngô là thứ không thể thiếu trong bất cứ ngôi nhà nào của người Mông. Khách đã đến nhà, thế nào cũng được chủ mời rượu. Mà đã được mời thì không thể từ chối. Vậy mới quí! Người Mông có câu hát:

 



“… Có tiền cùng tiêu

Có thịt cùng ăn

Có rượu cùng đổ…”.

 

Thậm chí:

 

“… Gặp người là gặp bạn

Gặp bạn là gặp rượu

Gặp rượu mới là gặp nhau…”.

 

Ai đã có dịp lên vùng cao quanh năm mây phủ, hãy tự tin bước vào nhà. Bên bếp lửa hồng, bạn sẽ được đón mời như một người thân lâu ngày trở về. Trước hết, thay bằng chén trà, bạn sẽ được chủ nhà trao bát rượu ngô. Phải là bát chứ không bằng chén thông thường. Cái nghĩa, cái tình giữa chủ và khách chính là ở chỗ đó.

 

Để có được bát rượu thơm thảo, ngọt nồng cất từ hạt ngô nương với lá men rừng, người Mông đã có cả một bí quyết.

 

Đầu tiên, ngô được bung trên bếp lửa rồi trộn với một lượng men nhất định. Ba ngày sau, ngô đã ngấm men thì cho vào chum, vò, ủ kỹ, kín khoảng 9, 10 ngày. Cuối cùng mới chưng cất. Thường cứ ba ngô thì được một rượu tinh khiết. Men ủ ngô phải là chế từ lá và rễ cây rừng nên vừa thơm vừa ngọt. Chỉ một lần uống là mãi mãi không quên.

 

Rượu ngô thực sự là thành quả lao động của người vùng cao. Phong tục tiếp rượu của bà con thường là, gia chủ cầm bát rượu tràn đầy, sóng sánh, thơm lừng trên tay, khẽ khàng uống trước một ngụm rồi chuyền bát mời khách uống theo. Nếu nhiều khách thì lần lượt chuyển cho nhau, mỗi người uống một ngụm. Cứ thế đến khi cạn, rượu lại được đổ vào, lại tràn đầy, sóng sánh, ngọt lịm cùng những lời chào mời, chúc phúc. Người Mông cho rằng, đã là khách quí, đã là bạn thân thì tình cảm phải thật lòng, dạt dào, đầy tràn như bát rượu. Đã uống thì phải say. Say tình. Vậy mới thỏa cái bụng, cái dạ.

 

Đối với chợ vùng cao, rượu ngô còn là mặt hàng quan trọng. Nó không thể vắng mặt bên chảo thắng cố (chảo ninh xương bò, xương lợn cùng các loại da, thịt bạc nhạc cho đến chín nhừ). Nam nữ, kể đến ông già, bà cả đã tâm đầu ý hợp, ở phiên chợ như thế này không thể không ăn, không uống, không say. Người Mông lại hát:

 

“… Có thịt thơm, có thịt mềm

Có rượu ngọt, có rượu ngon

Tới đây, ta níu áo nhau cho hơi men cháy lòng, mới thỏa, mới vui”.

 

Cứ thế, tâm hồn lâng lâng bất tận.

Uống rượu ngô trở thành tập tục trong sinh hoạt - uống bằng bát. Đấy cũng là nét văn hóa ẩm thực giản dị nhưng đầy bản sắc của người Mông.

 

Tết đến xuân về, đặc biệt là Tết Mông vào tháng 12 âm lịch, hãy tới vùng cao vui cùng bà con! Ở đó, thưởng thức hương vị đặc sản này, bạn sẽ hiểu và sẽ yêu mến hơn cuộc sống thuần phác nhưng biết bao hứng khởi của một tộc người.

Một số hình ảnh đẹp
Rượu ngô của đồng bào Mông
Rượu ngô của đồng bào Mông
Rượu ngô của đồng bào Mông