Wednesday, October 12, 2016

Nâu thẳm nấm tràm

Nâu thẳm nấm tràm
Sang thu, khi những cơn mưa đầu mùa vừa đủ ủ ẩm ướt không gian các sườn núi mọc tràn loài cây tràm, ấy là lúc những xác lá tràm rơi lớp lớp suốt mùa hè bắt đầu một cuộc sống khác, sôi động hơn, bởi thế giới nấm tràm đang xuất hiện.

 



Vô số cây nấm tràm chui lên từ đất ẩm mục xác tràm như những chiếc dù mập mạp, xinh xắn của những chú lùn cổ tích. Một thế giới trắng và nâu lan nhanh trên các sườn đồi, dưới những tán cây, dưới những lùm cỏ. Cơn mưa lớn đầu mùa vừa dứt lúc chiều buông chạng vạng trên khoảnh rừng tràm cheo leo sườn núi, thì ấy cũng là lúc các hạt giống nấm cựa mình, để rồi trong sương khuya, bào tử nấm bắt đầu khởi hành cuộc duỗi vươn thân lên khỏi mặt đất. Ban đầu nấm li ti như những que tăm, sau rồi có tai nấm nhỏ tròn như hạt bắp gắn trên đầu đũa, nhưng cho đến tang tảng sáng của ngày sau nữa, khi những âm thanh ban ngày đã vọng tiếng rõ hơn trên thế gian, thì những tai nấm cũng mở ra như để đón nhận âm vang cuộc sống. Nấm sống vài ngày, phô thân tận hiến thành những thảm nâu trên các sườn núi, chờ người đến hái. Nếu không kịp hái, nấm tự tan trong đất chờ đợi cơn mưa sau. Có lẽ vì thế mà loài nấm tràm là loài yêu cuộc sống này nhất và sống cũng tận hiến cho con người nhiều nhất, từ ngọn đến chân, không chút khó dễ điệu đà. Cho nên ngay cả cái đăng đắng cũng chỉ là chút dư vị triết lý cuộc đời mà nấm tràm mang theo. 

 

Buổi sáng, người đi hái nấm tràm nhẹ bước trên thảm lá tràm còn đọng sương, nhặt từ xác lá những cây nấm bụ bẫm ủ trong mình hương đất đai, hương lá tràm khô, hương gió núi cây rừng,... Nấm tràm mọc siêng năng ngoài đảo Phú Quốc, nấm trồi lên trên đất Hà Tiên, nấm chạy dài theo dải đất miền Trung mưa nắng chan hòa. Ở Huế, nấm tràm mọc nhiều trên các núi xa, dọc theo núi Chầm, núi Kim Ngọc, ngược theo khe suối lên đồi núi Bình Điền, Bình Thành, Hương Bình... Khi những rổ nấm đã đầy, nấm được xuôi theo xe đạp hay xe máy về chợ. Bao giờ về chợ nấm tràm cũng đứng ngồi vỉa hè, góc phố, như thể để dành riêng cho cái thú ẩm thực bình dân, hay cho những ai thích hoài cố hương quê toóc rạ ngày xưa... Đời nấm bình dân cho người bình dân nên chợ nấm nhanh đến nhanh đi, chẳng mấy chốc chợ nấm tràm họp chưa kịp đông đã tan. Mùa nấm, chợ Huế vui hẳn lên, như thể đó cũng là những ngày hội. Mà quả thật, đã thật sự có hội nấm tràm, một festival nấm tràm nho nhỏ mà đi đâu mấy ngày đó ở Huế ai cũng hỏi, đã ăn nấm tràm chưa? 

 

Nấm rời chợ theo tay mỗi người da diết về bếp. Từ đó, một cuộc sống mới của nấm tràm lại bắt đầu. Nấm nở hoa điệu đàng trong tô cháo tôm thịt. Nấm điểm trắng trong tô canh rau khoai. Nấm tràm xào mực, xào tép bạc... để chồng nhâm nhi với cút rượu cay sau ngày làm việc nặng. Người nội trợ Huế quan niệm, một chén nấm tràm hơn thang thuốc bổ, ăn vô mát dạ ngủ ngon. Cái đắng của nấm được coi là phương thuốc trị bệnh dạ dày... Nên chi mùa thu nhà nào cũng có món nấm. Nấm tràm là thức ăn có duyên, cái duyên của nó là khi chưa biết ăn thì sợ đắng, ăn được rồi thì rất mê. Ăn nấm tràm phải ăn nóng, hơi cay để rồi cứ vương vấn mãi cái mùi vị đăng đắng, ngòn ngọt của những tai nấm nhân nhấn đất trời.     Vui nhất là có nhiều người được mời đi ăn cháo nấm tràm, mà sợ đắng quá không ăn được, vậy là trong khi người ta húp xì xoạp, một mình chống muỗng ngồi nhìn. Lại có chị nghe nấm tràm ngon, đi mua vài cân về, nấu xong đắng quá nghĩ oan là bà bán nấm bán thứ không ăn được cho mình. Đến khi lên mạng hỏi mới biết là nấm tràm nó đắng, cái đắng của “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Ai sinh ra nấm mà thương thế nấm tràm ơi!

Một số hình ảnh đẹp
Nâu thẳm nấm tràm












0 comments:

Post a Comment