This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Saturday, December 30, 2017

Bánh cóng Sóc Trăng

Bánh cóng Sóc Trăng
Cũng như bún nước lèo, bánh cóng (hay bánh cống) vốn là đặc sản của đồng bào Khmer. Để có được chiếc bánh cóng ngon, người làm bánh phải vô cùng cẩn thận để lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Nhân bánh là hỗn hợp của tôm tươi hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.



Bánh cóng Sóc Trăng có đường kính khoảng 5 cm, chiều cao 4 cm với một con tôm nằm khoanh tròn trên mặt bánh vô cùng hấp dẫn. Cắn một miếng bánh ngon, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn trong vỏ bánh tan lẫn trong vị thơm béo ngậy của mỡ, đậu xanh và thịt heo.

 

Bánh cóng Sóc Trăng thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau ghém như xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo. Nước mắm dùng ăn kèm với loại bánh này có màu hổ phách và là sự hòa trộn khéo léo của vị mặn, thơm nước mắm cá cơm nguyên chất, chút chua chanh, chút ngọt của đường và vị cay, thơm nồng của ớt, tỏi.

 

Một số hình ảnh đẹp
Bánh cóng Sóc Trăng
Bánh cóng Sóc Trăng












Ốc luộc Hà Nội

Ốc luộc Hà Nội
Lâu nay, ốc luộc vốn được xem như “biểu tượng” quà vặt ở Hà Nội mỗi độ thu sang. Khi gió heo may về làm không khí se lạnh, ngồi bên bát ốc thơm nức mùi gừng, sả và lá chanh đang bốc khói nghi ngút, bạn sẽ khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn này. Loại phổ biến nhất là ốc mít và ốc vặn (thường được biết đến với cách gọi ngắn gọn “ốc to”, “ốc nhỏ”).

 

Mỗi hàng sẽ có cách pha chế nước chấm và luộc ốc riêng, tạo nên bí quyết giữ khách của từng chủ quán. Để thêm ấm bụng, bạn nên gọi cả nước ốc và uống ngay khi còn nóng. Một số con phố nổi tiếng với ốc luộc phải kể đến Đinh Liệt, Thụy Khuê (trong ngõ Xưởng Phim), Lương Định Của hay Hoàng Ngọc Phách



 
Một số hình ảnh đẹp
Ốc luộc Hà Nội












Bánh canh Vĩnh Trung An Giang

Bánh canh Vĩnh Trung An Giang
Đến Bảy Núi, An Giang, sẽ là thiếu sót nếu du khách không dành chút thời gian để thưởng thức món đặc sản dân dã nổi tiếng phố núi Tịnh Biên: bánh canh Vĩnh Trung



Cách đây hàng chục năm, cô Neang Oanh Na vì mê hương vị gạo thơm Neang Nhen nên cất công chế biến bánh canh từ loại gạo ngon trời đất dành cho vùng đất núi này. Món bánh canh giò heo với nước súp mùi vị đậm đà, cọng bánh thơm ngon, giá bình dân đã nhanh chóng thu hút khẩu vị người bản xứ. Theo đà ăn nên làm ra, Neang tiếp tục chế biến món bánh canh cá, tôm, canh gà và nay là bánh canh thập cẩm cá tôm, giò heo, gà. Bánh canh Neang thu hút khách du lịch, Việt kiều, dân bản địa bởi nó có điểm lạ so với bánh canh khác, cọng bánh không tròn mà lại dẹp! Bột gạo nhồi ra từ hạt gạo thơm thuần khiết nên cọng bánh dẻo dai cắn cái nghe thơm thơm đầu lưỡi. 



Nước súp ninh nhừ từ xương heo, xương gà, cá đồng, tôm hòa quyện lại với cọng bánh đã thấm đậm ớt cay, ngò gai, lá hành tạo ra dư vị mặn mà khó quên. Song cái độc đáo của bánh canh Neang Nhen là ở chỗ nước mắm chấm đặc chế, bánh canh Neang mà chấm với nước mắm thường thì mùi vị lợt lạt, cọng bánh thấm vào đầu lưỡi chẳng còn vị đậm đà. Ngon, lạ miệng, giá lại rẻ từ 3.000-7.000 đồng/tô, bánh canh Neang Oanh Na được chủ nhân thuận cho các quán Vĩnh Trung phổ biến thành món ăn đại trà phục vụ du khách, dân bản địa... Lần hồi món bánh canh Neang Oanh Na được gọi bằng cái tên chung chung là bánh canh Vĩnh Trung. Tới xã Vĩnh Trung bạn có thể thưởng thức bánh canh đặc sắc này ở các ấp Vĩnh Tâm, Vĩnh Lập, mỗi quán đều treo bảng "Bánh canh Vĩnh Trung".

Một số hình ảnh đẹp
Bánh canh Vĩnh Trung An Giang












Friday, December 29, 2017

Bún tôm khô Cái Răng Cần Thơ

Bún tôm khô Cái Răng Cần Thơ
Bún tôm khô Cái răng đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích. Tô bún chẳng có gì ngoài mớ tôm khô xào mỡ nấu lấy nước lèo, vài miếng tiết lợn, da lợn cùng một miếng chả được làm từ tôm khô trộn hột vịt đánh nhuyễn chiên vàng. Ăn kèm với tô bún là đĩa rau muống chẻ nhỏ xanh mướt, giòn rụm; một ít giá sống trắng tinh, ngòn ngọt vị đậu xanh; vài cọng húng cây thơm tho mùi đất đai quê nhà.



 
Một số hình ảnh đẹp
Bún tôm khô Cái Răng Cần Thơ












Thursday, December 28, 2017

Chè kho Tứ Yên Lập Thạch

Chè kho Tứ Yên Lập Thạch
Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

 



Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

 

Đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác. Thưởng thức chè kho đúng cách nhất là nhâm nhi với trà sen.

Một số hình ảnh đẹp
Chè kho Tứ Yên Lập Thạch












Wednesday, December 27, 2017

Mỳ Quảng ở Hà Nội

Mỳ Quảng ở Hà Nội
Một bát mỳ đầy đủ có thịt bò, thịt gà, tôm và nửa quả trứng gà luộc. Nước dùng chế biến từ nước xương hầm, được chan vừa đủ.

 

Nằm tại số nhà 2C Quang Trung (Hà Nội), quán mỳ Quảng có không gian khá rộng rãi, sáng sủa với chỗ để xe thoải mái. Khi ăn, bạn trộn đều bát mỳ và sẽ ngay lập tức cảm nhận được vị ngọt béo của nước dùng hòa quyện với thịt bò mềm ngọt, thịt gà chắc mà không khô, tôm và trứng gà thơm ngon.

 



Điểm đặc biệt của quán trước tiên là sợi mỳ. Theo anh chủ quán, mỳ Quảng phải được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành từng lớp bánh trắng mỏng, mềm mượt, rồi mới được thái thành sợi mỳ to và dài. Như vậy khi ăn mới cảm nhận được sợi mỳ dẻo dai, mềm mại, thơm mùi bột gạo và đậm vị nước dùng.

 

Một điểm đáng chú ý khác của món ăn là bánh đa ăn kèm. Khi ăn, bạn bẻ những chiếc bánh đa vừng giòn tan thành từng miếng nhỏ, ăn chung với mỳ để có thể cảm nhận được hết sự đặc sắc, lạ miệng của món ăn xứ Quảng.

 

Ngoài ra, mỳ Quảng còn được ăn kèm cùng các loại rau sống tươi ngon như bắp chuối non, giá, hành ngò... Phía trên bát mỳ được tô điểm bằng lạc rang thơm bùi và bánh phồng tôm cùng một miếng chanh nhỏ, giúp món ăn càng thêm phần hấp dẫn.

Một số hình ảnh đẹp
Mỳ Quảng ở Hà Nội












Wednesday, December 20, 2017

Bánh xèo ốc gạo Cần Thơ

Bánh xèo ốc gạo Cần Thơ
Thật hạnh phúc và đầm ấm khi cả nhà đoàn tụ vào ngày mùng 5 tháng Năm bên đĩa bánh xèo ốc gạo tỏa hương thơm ngát. Vị ngọt, giòn của thịt ốc hòa lẫn vị béo, thơm của bột gạo tạo thành một món ăn dân dã “đặc trưng Nam bộ” thật vô cùng hấp dẫn, “ăn là ghiền Hàng năm cứ vào tháng 4 - 5 âm lịch là mùa ốc gạo quê tôi lại về. Con ốc gạo đủ độ trưởng thành, mập nhất, ngon nhất rơi vào mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ). Như một tập quán lâu đời, người dân quê tôi lại háo hức rủ nhau đi mò ốc gạo đổ bánh xèo.

 



 Ốc gạo có mặt khắp miền sông nước Cửu Long và nhiều nhất phải kể là cù lao Tân Phong (Tiền Giang), cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Nông trường sông Hậu (Cần Thơ)…
 

Khác với các loại ốc thường sống trên ruộng đồng như ốc bươu, ốc lác…, ốc gạo sống ở đáy sông. Khi nước chảy thì chúng vùi mình vào đất, khi nước đứng thì ngoi đầu bò ra kiếm các phiêu sinh vật để ăn. Vì thế, muốn bắt được chúng phải vô cùng vất vả. Người dân nơi đây thường “canh” theo con nước để lặn xuống sông, hay đứng trên ghe dùng bàn cào để đánh bắt. Một người cần mẫn và trúng nơi nhiều ốc sinh sống, có thể kiếm vài chục ký trong một ngày. Giá tại Cần Thơ hiện là 10.000 – 12.000 đồng một ký.

 

Ốc gạo thịt trắng đục, béo thơm và thường được chế các món như: ốc gạo xào sả ớt, làm nhân bánh xèo, nấu lẩu mắm, luộc chấm nước mắm tỏi ớt, gỏi ốc gạo trộn với dừa nạo, gỏi ốc gạo chuối cây…. Nhưng, món ăn gây ấn tượng nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ ở quê tôi vẫn là Bánh xèo ốc gạo.

 

Để làm món này, trước đó một đêm má phải ngâm gạo sẵn để sáng hôm sau xay thành bột. Còn tôi, sáng hôm đó xách thùng lội xuống con sông trước nhà hì hụp lặn mò ốc gạo. Sau vài tiếng cũng được lưng thùng (khoảng 2 kg), đủ cho má đổ bánh. Chị Hai đi chợ mua những nguyên liệu như: giá sống, hành lá, hẹ, củ hành tây, củ sắn, tiêu, tỏi, bột ngọt, bột nghệ, rau sống…và phụ trách khâu luộc ốc.

 

Ốc gạo bắt được về cho vào thau nước vo gạo với vài trái ớt chín đâm giập trong vài giờ cho ốc nhả sạch đất, sau đó luộc chín với vài tép sả đập giập để dưới đáy nồi. Dùng gai quýt lể lấy ruột ốc ra cho vào tô.

 

Dừa được nạo vắt lấy nước cốt để ra tô, rau sống, giá sống rửa sạch để ra rổ; xắt nhỏ hành tây, hành lá, xắt sợi củ sắn, xắt dưa leo... Riêng phần bột bánh - định đoạt chất lượng của món ăn - do má pha.

 

Bột được trộn đều cùng với bột nghệ và thêm các gia vị (muối + đường + bột ngọt + nước cốt dừa + hành lá xắt nhuyễn) nêm nếm cho vừa khẩu vị. Má cũng không quên thêm vào đó một quả trứng gà để sau khi đổ, bánh mềm, béo ngon, dễ gỡ không bị rách…

 

Lửa hồng đã chuẩn bị. Với những động tác nhanh gọn, má bắc chảo lên bếp, cầm cọng chuối (đập giập một đầu cho mềm như cây cọ) nhúng vào tô mỡ và thoa đều trong lòng chảo, cho ốc cùng củ hành tây xắt mỏng vào xào vừa chín, và dùng vá múc bột đổ vào chảo (để ốc kết dính với bột). Kế đến, má nhắc chảo lên và xoay vòng một cách nhẹ nhàng cho bột tráng đều thành một hình tròn, mép bánh không bị rách. Tuần tự, má cho củ sắn, giá, hẹ vào sau. Đợi cho các nguyên liệu trên chín hẳn, má dùng xạng gấp bánh làm đôi và xúc ra đĩa. Chỉ cần làm thêm chén nước mắm chanh tỏi ớt (có dưa chua củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi) cùng đĩa rau sống (cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng, đọt bứa, rau thơm, dưa leo…) dọn ra bàn.

 

Thật hạnh phúc và đầm ấm khi cả nhà đoàn tụ quay quần vào ngày mùng 5 tháng Năm bên đĩa bánh xèo ốc gạo tỏa hương thơm ngát. Đặt miếng cải bẹ xanh vào lòng bàn tay trái, tay phải “bốc” một miếng bánh xèo có lẫn thịt ốc gạo cùng miếng rau sống cuốn lại chấm vào chén nước mắm chanh, tỏi ớt cho vào miệng nhại chầm chậm. Vị ngọt, giòn của thịt ốc hòa lẫn vị béo, thơm của bột gạo tạo thành một món ăn dân dã “đặc trưng Nam bộ” thật vô cùng hấp dẫn, “ăn là ghiền”!

Một số hình ảnh đẹp
Bánh xèo ốc gạo Cần Thơ
Bánh xèo ốc gạo Cần Thơ
Bánh xèo ốc gạo Cần Thơ












Monday, December 18, 2017

Lẩu ếch Hà Nội

Lẩu ếch Hà Nội
Những miếng thịt ếch vàng ươm được thả vào nồi nẩu nóng hổi, hòa quyện với vị măng chua cay cay cùng lá lốt thơm phức.

 

Trời mới sẩm tối, mà quán lẩu ếch đã đông nghịt khách. Những dãy bàn xếp kín cả vỉa hè, bốc khói nghi ngút. Nhiều người đã cất công sang Gia Lâm (Hà Nội), chỉ để thưởng thức món lẩu ếch măng chua nổi tiếng của quán.

 



Khác với món lẩu thông thường được nhúng từ các loại thức ăn tươi sống, để thực khách yên tâm, quán đã chiên ếch và xào trước với măng rồi mới mang lên phục vụ. Ếch được lột sạch da, chia thành phần đùi và thân riêng biệt. Những chiếc đùi ếch chiên được tẩm ướp vàng rượm, xếp khéo léo với những miếng măng trên đĩa.

 

Thịt ếch thơm ngon được thả vào nồi lẩu măng chua nóng hổi, vị chua chua cay cay kích thích ngay vị giác của người thưởng thức. Thịt ếch chín vừa, ngọt mềm và rất dai thịt. Nước lẩu ngoài măng chua còn có mùi thơm hấp dẫn và đậm đà của lá lốt quyện vào. Thưởng thức đùi ếch kèm theo miếng măng giòn giòn, ngấm với nước lẩu chua cay, thêm ít vị thanh của rau, khiến cho thực khách ăn no mà vẫn không bị ngán.

 

Ngoài lẩu ếch, quán còn chế biến thêm nhiều món ăn phục vụ khách như ếch xào măng, ếch chiên tẩm bột, ếch nướng cuốn lá lốt… Món ăn dân dã của vùng quê một thời, nay đã trở nên nổi tiếng và trở thành món ăn yêu thích của người dân thành phố.

 

Cảm nhận được vị ngọt của rau kết hợp vị chua nhẹ của măng, cay của ớt và vị béo hơi ngậy nhưng dịu của thịt ếch sẽ khiến ai một lần thưởng thức cũng phải nhớ đến. Vì vậy, tuy địa điểm hơi xa, nhưng quán vẫn kéo được khách đến với mình bởi món ăn dân quê này.

Một số hình ảnh đẹp
Lẩu ếch Hà Nội
Lẩu ếch Hà Nội












Thịt trâu luộc mẻ Cần Thơ

Thịt trâu luộc mẻ Cần Thơ
Về Thốt Nốt (Cần Thơ) bạn có thể được mời ăn món thịt trâu luộc cơm mẻ rất phổ biến. Một món ăn với cách làm khá đơn giản mà rất ngon và lạ miệng.



Dùng thịt trâu tươi xắt ngang thớ, ướp sả, tỏi, ớt bằm nhuyễn, thêm muối, đường, bột ngọt. Sắp đều lên đĩa, bên trên là ớt, củ hành tây thái mỏng. Múc cơm mẻ ra tô rồi tán nhão ra, cho chút muối để con mẻ chết (với nước sôi con mẻ vẫn sống). Đặt lẩu nước trên bếp than, lấy vợt, cảo lược kỹ cơm mẻ, bỏ xác. Nêm nếm vừa độ mặn, chua, cay là xong nồi lẩu. Nước chấm cũng bằng cơm mẻ; lược lấy nước, nêm chua ngọt, đậm đặc một chút.

 

Nói qua, cơm mẻ làm từ cơm ăn để quá ngày bị lên men mà ra. Muốn gây giống nhanh thì tìm cơm mẻ có sẵn, cho "ăn" bằng cơm nguội gút nước. Từ bảy đến mười ngày, cơm mẻ sinh sôi nhiều, có vị chua là dùng được. Nhúng thịt trâu vào nồi nước lẩu kèm các loại rau bày sẵn như: ngò gai, rau om, tai tượng, cải bẹ xanh, mồng tơi, đọt choại ( đọt chạy)... tùy thích. Thịt vừa chín tới, chấm gọn một gắp vào chén cơm mẻ chua ngọt để thấm thía vị cay, thơm của món ăn ngon và bổ dưỡng này.

 

Một số hình ảnh đẹp
Thịt trâu luộc mẻ Cần Thơ
Thịt trâu luộc mẻ Cần Thơ
Thịt trâu luộc mẻ Cần Thơ












Sunday, December 17, 2017

Mọc Quảng Nam

Mọc Quảng Nam
Mọc là món ăn đặc biệt hấp dẫn, không thể thiếu của người dân đất Quảng.



Thời thơ ấu, tôi được bà nội dẫn đi ăn cỗ, bởi vì món tôi thích nhất và được người lớn gắp bỏ trong chén tôi đầu tiên là món mọc hấp. Trong những lúc rãnh rỗi, bà tôi cho biết: Mọc là một hỗn hợp nhiều loại thực phẩm, gói bằng lá chuối, hoặc lá dong (qua hơ lửa) cột túm một đầu rồi đưa vào nồi hấp cách thuỷ. Mọc có nhiều loại, có loại món chủ lực là mọc thịt bò, thịt heo, gà, hoặc vịt (thịt gà, vịt chỉ lấy phần thịt, bỏ da và xương).

 

Theo như bà tôi nói, thành phần nguyên liệu để chế biến thành món mọc có thể tuỳ theo sản phẩm, tập quán từng vùng, thông thường các món như thịt heo, thịt bò, gà, vịt, mề gà, vịt xắt thành lát mỏng đem băm trên thớt thật nhuyễn; dùng bún tàu cắt từng khúc ngâm nước cho sợi bún được mềm ra; nấm mèo rửa sạch, ngâm trong nước cho mềm, xong dùng dao băm thật nhỏ trên thớt; hành củ, tỏi củ, đôi khi có một ít củ riềng; các loại rau gia vị như hành, ngò, lá gừng, nghệ, lá hẹ xắt thật nhỏ, một ít tiêu bột, muối, vị tinh, ít nước mắm loại ngon, trứng gà hoặc vịt sống và quấy đều. Tất cả được trộn chung thật đều trong thau. Xong, dùng lá chuối đã được hơ dịu, đặt trên bát và thoa sơ qua một lượt dầu phụng đã phi chín với tác dụng khi hấp chín, mọc không dính vào lá và khi ăn có vị béo, thơm. Dùng muỗng xúc hỗn hợp trên đổ vào lá vừa đủ, lúc này rải ít đậu phụng rang tách đôi lên bề mặt rồi túm lá chuối lại và buộc lại bằng sợi của bẹ chuối khô hoặc tươi. Gói xong mọc xong cho vào nồi hấp cách thuỷ chừng 30 phút là mọc chín.

 

Khi bắt đầu vào ăn, thực khách mới mở gói mọc. Lúc này từ gói mọc tỏa ra mùi thơm hấp dẫn mà ít có món ăn nào sánh kịp. Vị ngọt của thịt hòa quyện với mùi rau thơm, mùi trứng, mùi đậu phụng bùi béo, cái dẻo của bún tàu, cái giòn tan sựt sựt của mộc nhĩ… cùng các màu sắc bắt mắt, ăn thật khoái khẩu, nhớ đời. Trong các đám giỗ kỵ ngày trước món mọc hấp truyền thống thường xuất hiện trên bàn cỗ và được người sành ăn thưởng thức đầu tiên với bánh tráng nướng giòn xứ Quảng và nhấp ly rượu gạo thơm nồng.

 

Một số hình ảnh đẹp
Mọc Quảng Nam
Mọc Quảng Nam
Mọc Quảng Nam












Saturday, December 16, 2017

Cơm lam Định Hóa Thái Nguyên

Cơm lam Định Hóa Thái Nguyên
Đến với Định Hóa, du khách không chỉ tìm về những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc mà còn được đắm mình trong các lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, được thưởng thức các sản vật địa phương quyến rũ. Cơm lam là một trong những món ăn giản dị nhưng có sức hấp dẫn lạ lùng, bởi sự giao hòa của nước, của lửa và những ống nứa non.

 



Cơm lam là một món ăn giản dị của người dân Định Hóa, giản dị bởi nó gắn với những con suối nơi đầu nguồn và nương lúa bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút của đất ATK một thuở nhưng khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.

 

Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên

Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Thứ nếp mười hạt như cả mười, tròn căng đem nhặt hết sạn, ngâm qua nước ấm. Dụng cụ để lam là ống nứa, hoặc ống tre non, còn tươi để khi lam, chỉ cháy ở phần ngoài và nước ngọt của cây ngấm vào gạo. Loại nứa hoặc tre này mỗi cây chỉ chặt được từ ba đến bốn ống, mỗi ống dài độ 30 phân...

 

Người Định Hóa làm cơm lam bằng cách cho gạo nếp đã ngâm vào ống nứa, cứ ba phần gạo, hai phần nước, chừa lại khoảng 5 phân gần miệng ống (để khi gạo nở sẽ kín đầy cả ống) rồi nút lại bằng thứ lá chuối non chặt về đem hơ qua lửa.

 

Đốt lên một đống lửa, chờ thật đượm, sau đó đặt lên trên một chiếc kiềng và xếp các ống nứa trên đó. Khi đưa ống lam vào nướng trên bếp, vỏ nứa còn xanh mướt, khi cơm lam chín, vỏ nứa cũng đã chuyển màu. Đống lửa to hay nhỏ sẽ khiến thời gian làm cơm lam chín nhanh hay chậm, dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, ống cơm lam được xoay trở đều, hạt cơm bên trong sẽ đều hơn.

 

Róc hết lớp vỏ nứa bị cháy, cắt ống cơm lam thành từng khoanh, bày ra đĩa, khoanh cơm mịn màng như khúc giò, mùi thơm mời gọi khách phương xa nếm thử. Cơm nếp lam có thể để được cả tuần mà không bị thiu hay vữa. Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên.

Một số hình ảnh đẹp
Cơm lam Định Hóa Thái Nguyên












Thursday, December 14, 2017

Bún đậu mắm tôm

Bún đậu mắm tôm
Nằm trên đường Hồng Hà (quận Tân Bình), khu vực tập trung rất đông người gốc Bắc sinh sống, quán bún đậu này nhanh chóng trở thành địa chỉ lui tới của nhiều người. Món bún đậu mắm tôm của quán tuy không giữ được toàn vẹn hương vị của món ăn như ở Hà Nội, nhưng cũng đủ để thỏa mãn vị giác của những thực khách trót mê món bún đậm đà này.

 

Khi đã thưởng thức xong món bún đậu mắm tôm, nếu như vẫn còn thòm thèm, bạn có thể thưởng thức thêm các món ăn ngon miệng khác của miền Bắc như: bún ốc chuối đậu, bún mắm tép thịt luộc, nem rán..



 
Một số hình ảnh đẹp
Bún đậu mắm tôm












Tuesday, December 5, 2017

Mật ong rừng Bắc Kạn

Mật ong rừng Bắc Kạn
Mật ong rừng là một loại đặc sản quý hiếm, những giọt mật ong vàng ươm, sóng sánh trông thật hấp dẫn. Nhiều người đi du lịch Bắc Kạn họ đều thích được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món mật ong rừng, món ăn đặc sản của người dân Bắc Kạn.

 



Lấy được một đến hai lít mật ong rừng không phải chuyện dễ, những ngườichuyên đi lấy mật ong phải vào rừng sâu, vất vả tìm kiếm.  Mật ong có nhiều loại: mật ong Khoái thường làm tổ trên cành cây ở các vùng núi đá cao, nhưng đến nay rất hiếm. Còn loại ong mật Mè thì phổ biến có ở các khu rừng ở Nguyên Phúc (Bạch Thông), Côn Minh (Na Rì), Thác Giềng (Thị Xã Bắc Kạn)…

 

Mật ong không chỉ dùng để chế biến thức thực phẩm, mà còn là loại thuốc quý hiếm giúp con người chữa được nhiều bệnh như: dùng mật ong trộn với nghệ chữa được bệnh dạ dày, mật ong ngâm với quất chữa được ho cho trẻ em, rất nhiều bài thuốc quý làm từ mật ong đã chữa được khỏi bệnh cho con người. Tìm mua mật ong rừng cũng rất hiếm, phải vào những phiên chợ vùng cao mới có, trung bình mật ong rừng có giá từ 150-180.000 đồng/lít. Đến với Bắc Kạn du khách sẽ được thưởng thức và mang về những loại mật ong rừng quý hiếm, là món quà đặc sản đối với người dân miền núi Bắc Kạn.

 

Khách du lịch Bắc Kạn còn được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món mật ong rừng chấm với bánh mì, hay mật ong ướp nướng với thịt lợn rừng, rất thích thú. Từ xa xưa, mật ong Bắc Kạn thường dùng để tiến vua. Ngày nay, trong các gia đình trên vùng cao, mật ong được sử dụng cho người già, trẻ thơ và người suy nhược cơ thể./.

Một số hình ảnh đẹp
Mật ong rừng Bắc Kạn
Mật ong rừng Bắc Kạn
Mật ong rừng Bắc Kạn












Sunday, December 3, 2017

Mực Rim chợ Đầm Nha Trang

Mực Rim chợ Đầm Nha Trang
Mực rim Chợ Đầm là món ăn được nhiều người biết đến khi du lịch Nha Trang. Món ăn được chế biến đơn giản nhưng mang lại hương vị đặc biệt, là một trong những đặc sản của xứ biển này.



Khô mực được chọn loại mềm dễ tẩm ướp. Khô được tẩm đường, me tươi, ớt và nước mắm cho thấm, đưa lên bếp lửa liu riu, đảo đi đảo lại nhiều lần để gia vị càng thấm hơn. Nghe đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm được ngon. Làm cho mực thấm đều, không bị dai, không bị mềm là bí quyết của người Nha Trang. Nếu quá lửa, mực bị khét mà chưa thấm. Vì thế, người ta có kinh nghiệm canh lửa sao cho vừa phải, đủ thời gian để mực thấm gia vị và có được độ giòn, hơi dai khi dùng.

Trên đỉnh hòn Bà không phục vụ ăn uống nên khách phải tự chuẩn bị. Món mực rim Chợ Đầm-Nha Trang là một trong những lựa chọn của nhiều người. Mực rim có thể dùng làm đồ nhắm, ăn chung với dưa hành, củ kiệu tương tự như dùng tôm khô ở miền Tây vào ngày Tết. Có thể dùng mực rim ăn với cơm trắng, kèm theo rau sống, dưa leo… Vị chua, ngọt, mặn của món ăn hòa quyện với nhau tạo hương vị đặc biệt kích thích mọi giác quan của thực khách. Ăn với cơm, người ta muốn ăn hoài bởi không bao giờ ngán. Đêm lạnh thấu xương ở độ cao 1.500 mét, thức nhắm mực rim Chợ Đầm và uống rượu vang bên bếp lửa thì… tuyệt vời.













Saturday, December 2, 2017

Quýt Bắc Sơn Lạng Sơn

Quýt Bắc Sơn Lạng Sơn
Quýt Bắc Sơn được trồng trên các khe núi thung lũng, sườn đồi của huyện Bắc Sơn, hàng chục năm nay đã nổi tiếng với màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng. Bắc Sơn đã dồn vào làm cho quả quýt có hương vị đặc biệt thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được. 



Quýt Bắc Sơn có màu sắc hấp dẫn, mũi quả căng mọng, ít hạt có vị ngọt đậm hơi chua, hương vị rất đặc trưng mà nơi khác không có được. Quýt ở đây có hai lọai là quýt quả tròn và quýt quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm , vỏ mỏng trung bình, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng quả từ 80 – 150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm,vỏ mỏng trung bình, dễ bóc vỏ, có ít sơ, vị ngọt hơi chua, trọng lượng quả trung bình từ 100 – 150g. Quýt vàng Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn là một trong những giống quýt có hương vị ngon nhất hiện nay.

Một số hình ảnh đẹp
Quýt Bắc Sơn Lạng Sơn












Tuesday, November 28, 2017

Dê núi Ninh Bình

Dê núi Ninh Bình
Nói về thịt dê, không đâu ngon bằng dê núi Ninh Bình. Ngày ngày, từng đàn dê chắc khoẻ, dạo trên núi đá, gặm lá rừng xanh và uống giọt sương còn đọng lại làm nhớ món khoái khẩu thịt dê rừng.



Từ thịt dê có thể chế biến hàng chục món: tiết canh dê, tái dê, dê nướng, dê xào lăn, lẩu dê… trong đó, món tiết canh dê có lẽ là đứng đầu bảng. Muốn làm được bát tiết canh ngon không phải dễ. Phải là người có nghề mới đánh được bát tiết canh đông lại như đóng bánh nhưng ăn vào vẫn mềm ngọt đầu môi. Tiết canh dê được tuyển lựa từ những phần ngon nhất của con dê như tai, lưỡi, thịt thăn và phần sụn xương sườn, thêm lạc rang, vừng rang, hành củ, rau thơm. Miếng tiết đỏ au vừa mềm vừa giòn sần sật, thơm dậy mùi vừng rang, ngầy ngậy vị hành nướng. Vừa nhấm nháp tiết canh, vừa tợp thêm hớp rượu Đam Khê trong vắt thì cứ gọi là thần khẩu lên mây.

 

Trong các quán ăn, nhà hàng lại thường phục vụ món tái dê. Chỉ riêng “tái” đã có thật nhiều kiểu: tái nhúng, tái lăn, tái vừng… Tái nhúng là thịt dê thái lát mỏng nhúng vào nồi nước đang sôi, miếng thịt vẫn còn giữ nguyên sắc hồng và vị dai dai ngọt đậm đặc trưng. Còn tái lăn là chao thịt dê qua chảo dầu nóng nên thịt vừa ngậy, vừa thơm béo.

 

Ngoài ra, tái vừng cũng gần giống tái lăn, nhưng đậm đà hơn bởi thịt dê sau khi chao dầu được bóp thêm với vừng rang giã dập và đủ loại gia vị khác. Ăn kèm tái dê không thể thiếu quả sung, lá sung, vài lát chuối chát, lá ngổ, lá mơ, củ sả, và quan trọng nhất là bát tương bần Hưng Yên điểm thêm nhánh gừng già giã giập.

 

Người ta bảo chỉ có tương bần Hưng Yên mới “xứng” để “sánh đôi” với thịt dê núi miền đất cố đô. Hai thứ đặc sản của hai vùng đất khác nhau thế mà lại “ăn” nhau đến lạ

Một số hình ảnh đẹp
Dê núi Ninh Bình
Dê núi Ninh Bình
Dê núi Ninh Bình












Saturday, November 25, 2017

Bánh căn Phan Rang

Bánh căn Phan Rang
Không biết đã có những ai từng đặt chân đến Phan Rang và thưởng thức món "Bánh Căn" - một món ăn khá quen thuộc với những người dân của xứ biển Phan Rang. "Tại sao gọi là bánh căn?", nhưng thật ra tên bánh có lẽ là bánh căng mới đúng. Vì bánh chín, cứ căng phồng lên. 

 



Bánh căn ở Phan Rang nhìn có vẻ giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam nhưng có rất nhiều điểm khác, tạo nên một hương vị khác hẳn.

 

Ðể đổ bánh căn, người ta dùng một lò đất nung, thân tròn, trên mặt lò có đặt các chén đất cạn đáy, có nắp đậy; phần thân lò để chứa than hồng, có lỗ thông gió.

 

Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước rồi đem xay thành bột loãng giống như bột đổ bánh bèo hay bánh xèo.

 

Bánh Căn làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn. Bánh chín được nạy ra, 2 cái úp vào nhau giữa là lá hành thái nhỏ, bánh căn không tính từng cái mà tính theo cặp.

 

Trước khi đổ bánh, muốn cho bánh được thơm người bán tường thoa dầu chuối. Có cả bánh căn trứng cho khách có nhu cầu thưởng thức.

 

Thường thường người ta dùng nước cá có chế biến thêm gia vị hoặc có nơi thì dùng nước mắm pha thêm đường cát trắng nấu sôi cho thêm cà chua phi dầu phụng, ớt và chanh tươi, có cả mắm nêm đặc trưng của Phan Rang.

 

Khi xưa thì món này rất hấp dẫn và lôi cuốn đối với những người dân tại Phan Rang và khi lúc vào trời đang mưa mà ngồi nhâm nhi 1 bát bánh Căn với nước mắm" thì quả là ngon tuyệt.

 

Đến giờ thì đây không phải là món ăn của riêng dân địa phương nữa mà là món ăn đặc sản thu hút nhiều du khách kể cả những vị khách nước ngoài, quốc tế cũng khá "ghiền" món ăn này.

Một số hình ảnh đẹp
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang
Bánh căn Phan Rang