Friday, July 1, 2016

Bún Tháp Miếu Vĩnh Phúc

Bún Tháp Miếu Vĩnh Phúc
Làng Tháp Miếu (thị xã Phúc Yên) có nghề làm bún từ xa xưa, không ai còn nhớ từ đời nào. Theo sổ sách ghi chép lại, thì bắt đầu từ năm 1938, làng Tháp Miếu được nhiều người biết tới và bao đời nay, người ta gọi làng với cái tên bún Tháp Miếu.



Làng Tháp Miếu xưa kia giờ nằm trên địa bàn phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên. Tháp Miếu ngày nay gồm 7 tổ (từ tổ 1 đến tổ 7) của phường Trưng Nhị, có tổng số 896 hộ với 3297 nhân khẩu. Diện tích đất canh tác vốn đã thấp nay càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Nghề làm ruộng không đủ nuôi sống người dân nơi đây, và làm bún đã trở thành một trong số những nghề chính ở Tháp Miếu. Theo ông Nguyễn Hữu Tình, Tổ trưởng tổ dân phố tổ 3 cho biết: Ngày xưa gần như 100% hộ dân trong làng làm bún, chủ yếu làm theo lối thủ công nên số lượng không nhiều nhưng được sợi bún dẻo và trắng. Những năm gần đây, ở làng Tháp Miếu, số gia đình làm bún đã giảm, phần lớn chuyển sang buôn bán, kinh doanh. Theo thống kê của UBND phường, hiện nay số hộ làm bún của làng Tháp Miếu chỉ còn 14 hộ, nhưng nhờ sử dụng máy móc hiện đại, số lượng bún làm ra mỗi ngày từ 8-10 tấn. Trong số đó, phải kể đến một số hộ làm bún tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Thế Đường ở tổ 5, gia đình chị Nguyễn Thị Tiến ở tổ 6, gia đình chị Nguyễn Thị Tiêu ở tổ 7… đặc biệt gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở tổ 3 sản xuất trên dưới một tấn bún mỗi ngày.

 

Để có được sợi bún Tháp Miếu chính hiệu, ngon nổi danh khắp miền không hề đơn giản, dù chỉ là được cấu thành từ gạo trắng và nước trong. Ngay từ khâu đầu, việc chọn lựa chất liệu làm bún đã rất khắt khe, phải lựa thứ gạo tẻ không quá dẻo, đem vo, đãi sạch rồi ngâm nước. Ngày trước, người ta phải ngâm gạo 5 ngày, nhưng công nghệ hiện đại ngày nay rút ngắn còn 2 ngày là gạo có thể đem vào xay thành bột. Quy trình làm bún phải tuân thủ chặt chẽ rất nhiều khâu như đưa gạo vào xay nhuyễn với nước để tạo thành thứ bột gạo dẻo, mịn; ủ bột và chắt bỏ nước chua rồi đưa lên bàn ép xắt quả bột; nhào bột, đánh thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạn, bụi tấm để tạo ra tinh bột. Sau đó, bột được đưa vào khuôn vắt thành sợi và đưa vào nồi luộc vài ba phút thì vớt bún ra, tráng qua nước lọc cho khỏi bết dính. Bún thành phẩm được đặt trên các thúng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra chợ bán. Ông Chu Văn Trang, chủ tịch MTTQ phường Trưng Nhị, một người biết đến “chân tơ kẽ tóc” làng bún Tháp Miếu cho biết: Người Tháp Miếu rất thạo trong việc luộc và đánh giá độ chín của bột bún - khâu quan trọng nhất, thể hiện tay nghề của người làm bún, bởi nếu thời gian luộc bột chỉ chênh nhau một chút cũng sẽ ảnh hưởng tới độ săn chắc, chất lượng của sợi. Chả vì thế mà bún Tháp Miếu từ lâu đã có tiếng “sợi tròn, thơm dẻo, vị trắng trong”.

 

Cứ ngỡ làng lên phố rồi, thúng bún đi vào dĩ vãng nhưng bao đời người Tháp Miếu sống nhờ vào bún thì nay vẫn vậy. Sáng sáng những thúng bún nóng hổi rời đường quê đến mọi ngóc ngách của ngõ xóm không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sách làm giàu của nhiều người nông dân. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, riêng làm bún mỗi tháng cũng có thể đem lại thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng, còn những hộ gia đình đi lấy bún về đem bán rong cũng được 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Trong căn nhà được xây dựng khang trang, chị  Nguyễn Thị Nguyên, ở tổ 3 làng Tháp Miếu đang rộn ràng tiếng máy đánh bột, chị cho biết, đã bao đời nay gia đình chồng chị mưu sinh với nghề làm bún. Đời ông bà làm rồi truyền nghề lại cho con cháu, nghề làm bún vất vả nhưng có thu nhập. Cũng từ nguồn thu nhập từ bún mà vợ chồng chị nuôi được các con ăn học, xây dựng nhà cửa, có chút của ăn của để. Cũng theo chị Nguyên, hiện nay nhiều hộ chuyển sang cơ giới hóa nghề làm bún, đầu tư máy xay bột, đánh bột, và sử dụng cả những thiết bị, dụng cụ hiện đại như máy liên hoàn. Số hộ cần mẫn, miệt mài với phương pháp truyền thống chỉ còn rất ít. Dụng cụ đồ nghề để làm bún, nhiều bộ phận nay cũng đã được “máy hóa”, máy móc phần nào làm bớt đi nỗi nhọc nhằn cho người làm bún.

 

Nỗi vất vả của nghề làm bún đã được đền đáp xứng đáng khi ngày nay về lại làng Tháp Miếu người ta ngỡ ngàng với sự thay đổi mới đây. Nhà cao tầng mọc lên san sát, cả làng không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từng năm. Số hộ khá, giàu lên tới trên 70%, số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa hàng năm gần 90%

Một số hình ảnh đẹp
Bún Tháp Miếu Vĩnh Phúc












0 comments:

Post a Comment