Monday, June 25, 2018

Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc

Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc
Bánh gai dùng trong lễ tết, cưới hỏi, khao thọ, quà biếu, làm thức ăn đi đường xa… bánh gai dùng làm món ăn khai vị, tráng miệng hoặc ăn lấy no, lấy chán hay nhâm nhi với chén trà, ly rượu cũng đều hợp khẩu vị.

 



Bánh gai thời xưa còn được các cụ thích chơi chữ nho dùng làm câu đối, làm quân cờ tướng, làm đồ dùng dạy học cho các ông đồ… cũng rất trang trọng và cũng thực dụng. Bánh gai có lợi thế là bảo quản được khá lâu. Bánh có thể làm được quanh năm, thông thường là vào đông xuân.

 

Quê tôi miền trung du Vĩnh Phúc, làng tôi giáp với bãi sông Hồng nên đất làng rất hợp với cây gai, loài cây bụi lá to như lá trầu có lông mịn toả hương thơm đồng nội rất đặc trưng. Lá tươi hoặc lá khô dùng làm bánh gai cũng đều ngon. Có nhiều vùng quê biết làm bánh gai rất ngon nhưng tôi vẫn thích bánh gai của quê tôi. Nhất là những chiếc bánh do chính người nhà mình làm ra.

 

Lá gai tươi hái về rửa sạch, luộc xong vắt kiệt nước, cho vào cối giã, nhặt bỏ các cuống và sống lá to. Tiếp tục cho lá gai khô đã làm sạch vào giã lẫn cho thật tươi thành bột nhỏ mịn.

 

Gạo nếp hoa vàng ngâm nước khoảng 2 giờ, đãi sạch rồi đem xay thành bột mịn. Hai thứ bột đó đem trộn đều vào với nhau theo tỷ lệ 5 phần bột nếp 1 phần bột lá gai, rắc đều thêm chút lạc rang giã vụn. Tất cả đem trộn với mật mía cho vừa đủ dẻo để có thể nặn thành những tấm bánh có nhân bên trong bằng đỗ xanh đãi, thêm chút sợi cùi dừa điểm mứt sen, dầu chuối… Lăn bánh qua vừng đã rang rồi dùng lá chuối khô gói lại hoặc nặn tròn hình bánh xe vuông quân cờ rồi bao quanh bằng mảnh lá dừa. Thích chơi chữ thì hai mặt bánh được khéo léo rắc vừng hiện lên những chữ to tuỳ ý, từ “Phúc - Lộc - Thọ” đến cả hàng câu đối, bài thơ hoặc cả bộ quân cờ tướng…

 

Bánh làm xong lần lượt được xếp vào chõ để đồ chín. Đây là khâu quyết định bánh ngon hay dở. Phải xếp bánh vào từ lúc nước còn chưa sôi, đậy vung đun lửa đều để cho bánh ngấm nhiệt từ từ thấm vào bên trong, nếu nóng vội bánh chỉ chín phần vỏ bên ngoài. Đun sôi khoảng hơn 1 giờ là bánh chín. Bánh gai ăn nguội mới ngon.

 

Quê tôi là vùng đất học nên cũng có khá nhiều chuyện vui vẻ về những tấm bánh gai. Một ông đồ dạy mãi mấy chữ nho mà học trò vẫn học trước quên sau. Ông đành bảo bà đồ làm cho mẻ bánh gai trần hình tròn, hình vuông như những quân cờ lớn, mỗi mặt bánh ông rắc vừng thành mỗi chữ. Học trò đọc được thông thạo chữ nào ông thưởng luôn bánh có chữ đó. Bằng cách ấy học trò của ông vừa được ăn bánh lại vừa được ăn chữ nên rất mau thuộc bài.

 

Hai ông chơi cờ tướng, quân cờ toàn là bánh gai bày trên mâm xà đã kẻ ô bàn cờ, cạnh đó là ấm trà và nậm rượu, mỗi nước cờ thắng ăn quân lại được ăn cả bánh gai luôn. Những anh ngồi chầu rìa bên ngoài mách nước thắng lợi cũng được chia vui bằng quân cờ đưa lên miệng, càng khuyến khích giúp anh thắng chén sạch quân của anh thua.

 

Ông ngoại tôi vốn là nhà nho, Tết đến bao giờ ông cũng nhờ bà làm bánh gai trần thật to để ông tự tay rắc vừng nổi hình những chữ nho thật đẹp, để xếp thành câu đối, những bài thơ xuân rồi trang trọng bày trên bàn thờ. Ông còn cho các cháu chơi trò chơi chọn chữ hoặc đố chữ đầu xuân, ai lật được tấm bánh gai có chữ “nhất” chữ “nhị”, chữ “tam”… cũng sẽ được ông mừng tuổi 1 đồng, hai đồng hoặc ba đồng… Gặp chữ “cát” ông dặn dò cố học hành chăm ngoan sẽ giỏi giang, gặp chữ “hung” thì phải cẩn thận cả khi học khi chơi để tránh rủi ro…

 

Chỉ từ tấm bánh gai bình dị, ông cha ta đã kết hợp cùng nếp sống văn hoá để tạo thêm sự đậm đà bản sắc quê hương

Một số hình ảnh đẹp
Bánh gai đa dụng Vĩnh Phúc












0 comments:

Post a Comment