Tuesday, May 22, 2018

Đường Thốt nốt An Giang

Đường Thốt nốt An Giang
Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, từ lá, quả… Quả thốt nốt trông cũng tương tự quả dừa nhưng chỉ nhỏ bằng một phần tư hay một phần năm quả dừa. Thốt nốt gắn liền với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở tỉnh An Giang và Kiên Giang. Thốt nốt được thị trường biết đến với đặc sản đường thốt nốt thơm mát dùng để nấu chè hoặc chế biến các món ăn. Cùi và nước của trái thốt nốt là món giải khát hấp dẫn của vùng đất nhiều nắng gió này. Quả thốt nốt gần giống quả dừa và cùi thốt nốt cũng gần giống với cùi dừa non, mỗi quả thốt nốt thường có ba múi, mỗi múi to gấp hai hay ba lần múi mít, trắng ngần, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa non.



Trong vùng trồng cây đặc sản thốt nốt huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dọc bên đường thường có những hàng thốt nốt đầy sức sống với những tàu lá màu xanh thẫm, vươn cao nổi bật trên nền trời xanh và nắng vàng, cạnh những hàng thốt nốt là những quán giải khát thốt nốt ướp lạnh, thoáng đãng, mát rượi dẫu đang trưa hè, quán nào cũng giăng võng để khách có thể nghỉ ngơi thưởng thức nước và cùi thốt nốt ướp lạnh. Chỉ cần ghé vào quán, nhìn dãy võng mắc san sát, giăng thành hàng thẳng tắp trong khoảng sân rộng rãi sạch sẽ du khách đã cảm nhận được sự thảnh thơi, dễ chịu. Rồi sau đó, thưởng thức một cốc thốt nốt ướp lạnh thì những mệt mỏi, nóng bức sau mỗi chặng đường rong ruổi trưa hè sẽ nhanh chóng tan biến. Cây thốt nốt là cây mang tính truyền thống, gắn bó với mỗi gia đình đồng bào Khmer. Trong đó, đường Thốt nốt là một nguồn thu nhập của đồng bào Khmer và cũng là đặc sản của toàn vùng.

 

Đường Thốt nốt - loại đường đặc sản được nấu từ mật hoa và quả của cây thốt nốt nổi tiếng của vùng đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang đang vào vụ. Vụ thốt nốt ở đây được tính từ tháng 10 âm lịch năm này đến Hội Vía Bà của An Giang – tức là đến tháng Tư âm lịch năm sau. Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của bà con Khmer như cây dừa với người Kinh vậy. Hầu như gia đình người Khmer nào cũng có từ vài cây đến vài chục cây thốt nốt. Khách du lịch qua đây đều mua ít đường thốt nốt về làm quà. Công đoạn làm đường khá công phu và nhiều vất vả, đặc biệt là công đoạn hứng nước. Để có được thứ nước trong, ngọt, không bị chua để làm ra loại đường hảo hạng thì người ta phải cẩn thận trong từng khâu.

 

Khi hứng được nước rồi thì phải bắt tay vào thắng đường ngay, nếu để lâu quá một ngày sẽ có mùi chua làm giảm chất lượng đường. Nước được lọc trong hết tạp chất rồi nấu cho đến khi sệt lại, để nguội rồi đổ vào khuôn là được. 

 

Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Đặc biệt, ngoài vị ngọt thanh nhẹ, đường thốt nốt còn mang đến cho người thưởng thức vị béo, khi ăn rất dễ gây “nghiền”. Vị ngọt thanh, thơm ngon của đường thốt nốt rất phù hợp để nấu chè. Món chè đậu xanh sẽ có vị thanh mát, ngọt dịu hơn, vị bùi bùi của đậu xanh vì thế cũng hấp dẫn hơn khi được nấu cùng đường thốt nốt. Chính vị thanh mát làm cho món ăn ngon miệng và còn có tác dụng làm mát, chữa viêm họng. Không chỉ là nguyên liệu để sử dụng trong nấu các món chè hay là phụ gia đem lại cho những ly nước có vị ngọt tự nhiên, đường thốt nốt còn được dùng như một gia vị nêm nếm cho bát nước mắm nhà bạn có thêm màu sắc mới. Một bát nước mắm sóng sánh có hoà lẫn đường thốt nốt, cho thêm vài miếng ớt tươi màu, chấm với xoài xanh thì ngon phải biết. Góp phần làm phong phú thêm cẩm nang gia vị chế biến các món ăn của người Việt, đường thốt nốt của người Khmer đang ngày càng quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Vị ngọt dịu, thanh mát của đường thốt nốt còn như một “gia vị tâm hồn”, đem lại cho người ta cảm giác ngọt ngào, sảng khoái trong cuộc sống mỗi khi thưởng thức những món ăn có hương vị đặc biệt.

 

Một số hình ảnh đẹp
Đường Thốt nốt An Giang
Đường Thốt nốt An Giang
Đường Thốt nốt An Giang
Đường Thốt nốt An Giang












0 comments:

Post a Comment