Friday, May 13, 2016

Ghẹ Bình Thuận

Ghẹ Bình Thuận
Biển Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại hải sản nổi tiếng như: cua huỳnh đế, mực, ngao, sò, dòm, ốc hương... Có một loại nổi tiếng trong số đó, là ghẹ.

 

 

 



Ghẹ là đối tượng hải sản quý, có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Ghẹ được phân bố ở khắp các vùng biển. Ban đêm ghẹ sống sát đáy, ngày bơi lên. Ghẹ là loài rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết. Những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, nên cùng với nghề khai thác ghẹ tự nhiên, nghề nuôi ghẹ đã phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước, tuy nhiên nguồn con giống chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Từ năm 1998, để giải quyết vấn đề con giống cho nghề nuôi cua, ghẹ của Việt Nam, đã có đề tài sản xuất giống và nuôi thương phẩm ghẹ xanh  do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện, đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo cơ sở để mở rộng nghề nuôi ghẹ ở Việt Nam.

 

Ghẹ có nhiều loại: ghẹ xanh hay còn gọi là ghẹ nhàn, ghẹ 3 chấm (Ghẹ mặt trăng), nghẹ đỏ… 

 

Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biển ở khắp các vùng biển của Việt Nam và thường sống ở độ sâu từ 4 đến 10m nước ở những vùng biển có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết. Mùa sinh sản của ghẹ kéo dài quanh năm, nhưng thời gian ghẹ xanh ôm trứng nhiều nhất là tháng 2-4 ở vùng biển miền Trung. Cũng như các loài cua biển, sau khi nở ấu trùng ghẹ xanh phải qua nhiều lần lột vỏ và biến thái mới trở thành ghẹ giống. Đến mùa sinh sản ghẹ xanh kết thành đàn ra biển, nơi có độ mặn từ 30 - 34 để đẻ trứng.

 

Ghẹ được chế biến thành nhiều món ăn ngon, từ bữa cơm gia đình, đến các khách sạn nhiều “sao”. Đã ăn ghẹ một lần, thì khó mà quên được. Ghẹ biển thoạt nhìn rất giống cua biển nhưng thon thả hơn, vỏ mềm hơn. Ghẹ Nhàn, mai và càng đều xanh lơ, lốm đốm trắng và 8 cái ngoe có màu trắng hồng tự nhiên. Người ta phân biệt ghẹ chắc hay ghẹ óp bằng cách bóp vào ức ghẹ hoặc mai ghẹ xem chắc hay óp để phân biệt. Ghẹ chắc (ghẹ thịt) thì cứng và chắc...nhiều thịt hơn. Ghẹ phải chọn những con thật chắc, to bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún, bụng phải trắng tinh và ngoe thon, dài. Tốt nhất nên chọn ghẹ còn sống. Ghẹ ăn ngon thường có trọng lượng từ 4 - 6 con/kg. Khi mua ghẹ, nên lưu ý là không mua vào “mùa trăng” (từ 14-16 âm lịch), vì thời điểm này ghẹ không đi ăn nên ghẹ ốm, dễ bị óp, thịt không được chắc và ngọt

 

Thịt ghẹ cung cấp nhiều chất đạm, vị lại ngọt và thanh và hầu như không béo nên được nhiều người ưa chuộng. Ghẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn như: luộc, nướng, hấp, nấu cháo, nấu lẩu…Nhưng ngon nhất vẫn là hấp bia, ăn kèm với muối ớt chanh.

 

Ghẹ sau khi mua về rửa sạch dưới vòi nước, xếp vào một cái xoong, cho 1 ít bia vào sau đó bắt lên bếp cho lửa lớn, hấp vài phút mai ghẹ chuyển sang màu vàng sậm, thì ghẹ đã chín tới (khi hấp ghẹ nói riêng và hải sản nói chung, nên ăn khi vừa chín tới, tránh để trên bếp quá lâu vì thịt bị ngót và vị ngọt giảm hẳn). Ghẹ hấp bia có màu vàng gạch, hương vị thơm lừng bia  rất hấp dẫn. Đặc biệt khi chế biến món ghẹ biển nên hạn chế nêm nếm ít gia vị, để giữ lại vị ngọt tự nhiên của nó. Vị ngọt của ghẹ, quyện với vị cay nồng của muối chanh ớt sẽ làm bạn khó quên.

 

Ghẹ hấp bia phải thưởng thức lúc còn nóng. Khi ăn trước tiên chúng dùng tay bóc mai, lộ ra tảng gạch chắc nịch, vàng ruộm, rồi bẻ thân ghẹ thành hai hoặc thành bốn miếng, ghẹ trông thế nhưng rất nhiều thịt, khi gỡ lộ ra những thớ thịt trắng muốt. Mai gạch thường ăn trước, lấy muỗng nhỏ múc gạch, cho vào từng chén. Gạch béo ngậy cùng vị cay nhẹ của muối ớt chanh, thấm vào miệng lưỡi, ngây ngất tuyệt vời hương vị đặc trưng, ngọt ngào khó quên. Sau gạch là đến thịt ghẹ. Ăn ghẹ cũng là một nghệ thuật, bóc đến đâu, ăn đến đấy, phải từ tốn bóc yếm, bóp vỡ càng, gỡ thịt, nhấm nháp lai rai từ ngoe đến càng rồi đến từng thớ thịt cho vị ngọt của ghẹ thấm dần vào lưỡi. Đối với càng ghẹ lớn, dùng kìm bóp giập hai chiếc càng to, gỡ dần từng mảng vỏ. Còn ngoe, chỉ cần cắn giập là ăn được. Ghẹ hấp nếu muốn được ngon hơn thì sau khi hấp chúng ta nên nướng sơ qua trên bếp than khoảng 1 phút, thịt ghẹ sẽ được thơm và chắc hơn.

 

Ăn ghẹ xong rửa tay bằng nước lá sả hoặc nước chè xanh, thêm mấy lát chanh thì sạch hết mùi.

 

Ngoài ghẹ hấp bia, người ta còn chế biến ghẹ biển thành nhiều món độc đáo khác như: lẩu ghẹ, ghẹ xào chua ngọt, ghẹ nấu bánh canh…Lẩu ghẹ ngon hơn hẳn lẩu cua đồng, vì ghẹ “to con” hơn, thịt và gạch nhiều hơn cua đồng rất nhiều; do đó nước lẩu cũng ngọt hơn, đậm đà hơn. Lẩu ghẹ phải thêm một số gia vị, mấy thứ chua chát và không thể thiếu món rau sống, thường là rau cải xanh và những món rau thơm. Thực khách thường thưởng thức gạch và thịt ghẹ trước, sau đó mới cho bún sợi, hoặc miếng và rau cải xanh chần qua nước lẩu và múc vào bát. Cũng có thể cho ít gạch và thịt ghẹ vào bát bún sợi rồi chan nước dùng. Ôi thật là hấp dẫn.

 

Phan Thiết là nơi rất giàu ghẹ và các loại hải sản khác. Mùa hè, du khách thập phương về thành phố Phan Thiết để thư giãn, nghỉ mát. Đắm mình trong làn nước, đùa giỡn với sóng biển Đồi Dương trong xanh, hay biển Mũi Né dậy sóng. Tắm cho thỏa thuê, khi cảm thấy bụng đói, khách có thể lên bờ tìm vào các nhà hàng gọi món ghẹ hấp bia. Cũng có thể mua ghẹ tươi của ngư dân mới đánh bắt đem vào bờ, nhờ người bán nấu hộ. 

 

Nhiều người còn mua dăm ba cân ghẹ về biếu người thân. Ghẹ là món ăn đặc sản thu hút khách du lịch, kể cả khách nước ngoài. Ai đã một lần đến với Phan Thiết, Mũi Né, tắm biển và ăn ghẹ chắc chắn sẽ không bao giờ quên.

Một số hình ảnh đẹp
Ghẹ Bình Thuận
Ghẹ Bình Thuận












0 comments:

Post a Comment