Saturday, January 2, 2016

Rượu Bắc Kạn

Rượu Bắc Kạn
Nhắc đến rượu, người ta hình dung ngay đến một loại đồ uống đầy sức quyến rũ, không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam tự bao đời nay.

 



 Nào rượu làng Vân, rượu Cần, rượu nếp,… Mỗi loại đều có một phong vị riêng, mang một dấu ấn riêng của vùng đất đã sản sinh ra nó. Chẳng thế mà khi nhắc đến mảnh đất phương Nam, người ta không thể không nhắc đến rượu Sim Phú Quốc, rượu Bến Lức Gò Đen, rượu Bàu Đá -Bình Định. Cũng như khi ghé thăm mảnh đất Tây Bắc, người ta không thể quên thưởng thức rượu Sắn Lùng (Lào Cai), rượu Táp Lá (Cao Bằng), rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và nhất là rượu ngô Ba Bể - một đặc sản của vùng đất Bắc Kạn.
 

Những bí quyết tạo nên hương vị độc đáo


Trong câu chuyện của những ông già người Dao, nghề nấu rượu ngô đã có từ thời cây ngô vẫn là thứ lương thực chính của đồng bào các dân tộc nơi đây. Quy trình nấu rượu ngô cũng không khác cách nấu rượu gạo dưới xuôi là mấy.


Trước hết, nguyên liệu dùng để nấu là ngô. Sau khi đãi sạch, người ta đổ ngô vào một cái chảo to, nấu lên sao cho khi ngô vừa chín nứt vỏ thì cũng là lúc nước trong chảo vừa cạn. Đem ngô chín tãi ra nia, chờ đến khi thật nguội mang đi ủ men theo trình tự: một lớp ngô mỏng lại rắc một lớp men, cứ thế cho đến hết. ủ khoảng 2 ngày, rồi cho vào chum để khoảng 25 - 30 ngày, khi thấy ngô đã “ngấu” và có mùi thơm chính là lúc có thể đem đi nấu thành rượu .


Lại nói về cách nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc. Nó thật là cầu kỳ, độc đáo. Người ta dùng một cái chõ - chõ này làm từ gỗ cây may - doọc (tức cây hông), phía dưới chõ đổ nước, ở giữa đặt một lớp mành tre hoặc trúc. Sau đó, lấy ngô đã lên men rải đều lên trên lớp mành. Đặt một chiếc chảo to đựng nước lạnh lên trên miệng chõ. Khi dùng phương pháp nấu cách thuỷ, nước lạnh sẽ có tác dụng làm ngưng tụ rượu. Từng giọt, từng giọt rượu ngô sau khi cất được đã toả mùi thơm phức khắp mấy gian nhà sàn. Một mùi thơm nồng và quện đến nao lòng. Tuy rượu ngô không có được cái vẻ đẹp lộng lẫy của các loại rượu làm từ hoa quả hay các loại rượu được nấu từ những loại gạo thứ thiệt như nếp cẩm, nếp hương, nếp ngỗng… mà người đời thường tán tụng, nhưng hãy thưởng thức một chén thôi, bạn sẽ không thể nào quên bởi hương vị đặc biệt của nó. Vừa thơm, vừa êm dịu, uống tới đâu biết tới đó. Rượu mới trôi đến cổ họng đã cảm thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi. Một điều kỳ thú nữa là bạn có thể “ẩm” bao nhiêu cũng được, bởi uống rượu ngô người ta không sợ bị cái nóng bốc phừng phừng lên mặt hay bị đau đầu như khi uống các loại rượu khác. Uống rượu ngô cũng không bị say. Chỉ cảm thấy lịm dần đi, nếu được ngủ qua một đêm, sáng hôm sau tỉnh dậy sẽ thấy người khoẻ mạnh như thường. Chẳng vậy mà đối với nhiều người “mến” rượu , rượu ngô vẫn là nhất hạng vì rượu ngon đã đành, nhưng nếu lỡ có uống nhiều đôi chút thì cũng không bị say xỉn, quậy phá lung tung.


Điều gì đã tạo nên “nét đặc trưng riêng” của rượu ngô? Phải chăng đó chính là do men rượu và dụng cụ nấu rượu . Theo lời kể của ông Mạch Văn Biểu - người dân tộc Tày đã có kinh nghiệm nấu rượu ngô lâu năm ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể - men dùng để ủ rượu ngô là thứ men được làm từ các lá cây thuốc mọc ở trong rừng do người dân tộc tự làm. Loại men này sẽ tạo cho rượu ngô có hương vị êm và mát, khác hẳn với vị gắt và nóng của một số loại rượu ủ bằng men hoá học ở dưới xuôi.


Dụng cụ nấu rượu cũng là yếu tố quan trọng giúp rượu ngô có được sự khác biệt so với các loại rượu khác. Không nấu bằng nồi sắt hay nồi nhôm, nồi đồng, rượu ngô được nấu bằng chõ gỗ - tốt nhất là gỗ của cây may - doọc. Chiếc chõ gỗ này vừa tạo nên mùi thơm cho rượu, vừa giúp lọc bớt một số độc tố trong quá trình nấu rượu khiến người uống rượu ngô không bị nhức đầu chóng mặt.


Một yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng của nồi rượu ngô chính là phải có được loại ngô như nắng, được ngô nếp nương là tốt nhất, vì khi ấy rượu nấu lên sẽ có vị thơm, ngọt. Vị thơm, ngọt ấy hấp dẫn đến nỗi chỉ cần mở nắp chai rượu , vẩy thêm một vài giọt rượu là cả căn phòng bốc lên mùi thơm tựa như mùi thơm của hoa trái, cây rừng thiên nhiên. Cuối cùng muốn rượu ngô có vị thơm ngon đặc biệt, nguồn nước cũng đóng một vai trò quan trọng. Chẳng thế mà dù đã có rất nhiều nơi nấu rượu ngô nhưng chỉ có rượu ngô được sản xuất tại thôn Khưa Quang, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể mới là loại rượu được mọi người ưa chuộng nhất, vì họ tin rằng: rượu ngô nơi đây được nấu bằng nguồn nước ở lưng chừng núi Phja-Bjoóc - một nguồn nước vô cùng tinh khiết mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Tương lai nào cho rượu ngô


Trong nhiều năm nay, rượu ngô Khưa Quang - Ba Bể không chỉ được người dân trong vùng ái mộ mà dần dần nó đã trở thành một sản phẩm được nhiều người ngoại tỉnh biết đến. Nhất là đối với khách du lịch đến thăm danh thắng hồ Ba Bể, khi trở về ai cũng không quên mang trong hành trang của mình một vài chai rượu ngô để làm quà. Còn người Bắc Kạn, trước khi đi xa thường lùng mua bằng được thứ rượu ngô Khưa Quang- Ba Bể chính gốc để đem biếu bạn bè, người thân. Dần dà, rượu ngô Ba Bể đã được coi như đặc sản của mảnh đất Bắc Kạn thân yêu.


Nhận thấy rượu Khưa Quang chính là sản phẩm có thể giúp người nông dân, nhất là nông dân ở thôn Khưa Quang, huyện Ba Bể xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời có thể phát triển thành thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn trong tương lai, Công ty Xuất nhập khẩu - Du lịch Bắc Kạn thuộc Sở Thương mại - Du lịch Bắc Kạn đã lập dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rượu Khưa Quang tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”. Mục đích của dự án này là biến Khưa Quang thành làng nghề nấu rượu truyền thống của người dân tộc - một địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm trong quần thể khu du lịch hồ Ba Bể.


Mong rằng, với nỗ lực của người dân Bắc Kạn, sản phẩm rượu ngô Khưa Quang -Ba Bể sẽ không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Để mỗi du khách dù chỉ một lần đến với Bắc Kạn, đến với hồ Ba Bể đều có chung một cảm nhận “Một lần đến mười lần say” như lời bài hát mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết về mảnh đất từng có một thời là thủ đô kháng chiến, cái nôi cách mạng Việt Nam./.

Một số hình ảnh đẹp
Rượu Bắc Kạn












0 comments:

Post a Comment