Tuesday, March 1, 2016

Cốn Nổ Bình Thuận

Cốn Nổ Bình Thuận
Tuy không nổi tiếng đi vào văn thơ như cốm làng Vòng bọc lá sen xứ Bắc, nhưng cốm hộc lại là niềm tự hào của người dân Bình Thuận. Mỗi độ xuân về trên bàn thờ tổ tiên, ông bà của người dân Bình Thuận thường không thể thiếu được đôi hộc cốm Tết, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng bao đời nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của con người nơi đây.

 



Nguyên liệu chính của cốm là nổ. Nổ lại được rang từ lúa nếp. Ai cũng biết, với người dân Việt thì lúa, nếp được xem như là báu vật của trời đất, tổ tiên ban tặng cho. Vì vậy, mọi thứ thức ăn làm từ lúa hay nếp đều tự thân mang trong mình nét thiêng liêng, tương xứng với công đức của tổ tiên. Sở dĩ người dân Bình Thuận gọi là cốm nổ mà không gọi là cốm nếp bởi lẽ khi những hạt nếp được cho vào lò rang, nó nổ bung to ra nghe lóc bóc như những tiếng pháo nổ.


Để làm được hộc cốm Tết, nổ được cho vào thúng hay mẹt lớn để lượm bỏ đi những vỏ trấu, mày sót trước khi đem ngào đường. Đường được đun với nước trong các chảo lớn. Trước đây người làm cốm thường chỉ dùng đường vàng, nhưng sau đó muốn cho đẹp mắt và hương vị đậm đà ngon hơn người ta đã dùng đường cát trắng. Ngoài vị ngọt của đường, cốm Tết phải có thêm gừng với vị cay nồng đặc trưng không thể thiếu, gừng còn tượng trưng cho sự khỏe mạnh, cho sự thủy chung và sức sống của người vùng biển. Khi đường gần “tới”, người ta cho vào chảo những miếng gừng cắt lát, giã dập để cốm có mùi vị cay đặc biệt mà ai ăn rồi sẽ nhớ mãi. Ngoài gừng ra người ta còn cho cả thơm hoặc me sau đó trộn hỗn hợp nổ, đường, gừng, thơm và me lại với nhau.

 

Tiếp theo là công đoạn đóng cốm. Theo quy luật trời đất, sự vuông vức thể hiện cho sự vững chãi, trường tồn. Do vậy người ta dùng ván gỗ đóng các khuôn cốm giống như khối vuông có cạnh khoảng 12 cm nhưng hai mặt rỗng. Sau khi cho cốm vào hộc, người đóng dùng một miếng gỗ rời ép chặt cốm xuống cho bằng phẳng, phải ép cho thật chặt thì hộc cốm mới ngon, mới chắc. Sau khi đã ép xong, cốm lấy ra xếp vào một cái nia lớn, rồi đem đi phơi nắng cho thật ráo. Khi cốm đã khô, công đoạn cuối cùng là gói cốm. Giấy gói cốm thường là giấy bóng mờ hoặc giấy bóng kiếng trong đủ màu. Để hấp dẫn và bắt mắt hơn, người ta dán thêm một vài cánh hoa giấy lên hai đầu hộc cốm.


Những lát cốm xen lẫn với những mảnh gừng mỏng trong màu hổ phách, nom thật hấp dẫn, cắn từng miếng nhỏ, cố nhai thật chậm rãi để tận hưởng cái hương vị thơm ngon của thứ quà vốn dĩ rất quyến rũ. Bạn sẽ cảm nhận từng hạt cốm ngọt dịu, cay cay, thơm dậy mùi gừng đang tan nhuyễn dần rồi trôi qua cuống họng, thấm vào dạ dầy.


Người dân Bình Thuận vốn rất tự hào với cốm hộc bởi đó là một trong những món ẩm thực truyền thống không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi Tết đến. Những người sinh sống nơi xa, dù ở trong hoặc ngoài nước, đều không quên dặn dò người thân gửi cho mình dăm bịch cốm để bày lên bàn thờ cho đúng thông lệ và để khi ăn có thể nhớ lại hương vị quê nhà. Với trẻ con, cốm hộc là một thứ quà rất hấp dẫn. Chúng rất muốn cốm hộc có quanh năm để được cha mẹ cho ăn thường, ăn hoài thứ quà vô cùng ngon miệng này .

 
Nhưng theo thông lệ, chỉ đến những ngày cận Tết, khoảng từ 20 tháng chạp đổ về người ta mới bắt đầu đóng cốm. Ngày xưa, nhà nhà đều quây quần để đóng cốm, dán cốm và thức cùng với cốm, nhưng ngày nay do cuộc sống hối hả người ta thường đi mua hay đặt những người khác làm cốm. Cốm mua về được bố bày trang trọng trên bàn thờ để dâng cúng ông bà tổ tiên. Khi hết ba ngày Tết, cúng tiễn ông bà đi xong, cha mẹ mới cho phép lấy cốm xuống ăn. Hộc cốm khá lớn nên bao giờ cũng phải cắt ra thành những miếng nhỏ đưa mời nhiều người cùng ăn. Có người thường nhâm nhi cốm hộc với trà tầu hay trà sen. Cốm hộc là thức quà đặc trưng của vùng đất Bình Thuận, là tinh hoa truyền lại từ nhiều đời. Nó không chỉ là đặc sản ẩm thực ngày tết mà còn là nét văn hóa riêng của địa phương. Người dân Bình Thuận mỗi khi nhìn thấy cốm hộc là biết xuân đã về, biết Tết sắp đến. Nhiều năm qua, món quà truyền thống này tưởng chừng bị mai một, chìm vào lãng quên bởi ít thấy xuất hiện trên thị trường. Chắc có lẽ nhiều người xa quê nặng lòng với quê hương vẫn nhung nhớ khôn nguôi với cái tên cốm hộc ngày xưa do đã thân thương, gần gũi tự bao đời.


Tết phải có cốm nổ. Đó đã là nét văn hóa Tết truyền thống của mọi người dân Bình Thuận. Dù cho hôm nay, cốm nổ Tết có biến tấu theo kiểu nào, hương vị nào đi chăng nữa thì hộc cốm ngày Tết dâng lên tổ tiên vẫn phải được làm từ loại nếp ngon nhất, vẫn phải là vị ngọt thanh của loại đường dịu ngọt nhất, vẫn phải có vị cay nồng của gừng và vẫn phải vuông vức với giấy nhiều màu và hoa ở hai đầu hộc cốm.

Một số hình ảnh đẹp
Cốn Nổ Bình Thuận












0 comments:

Post a Comment