Không khí Tết đang đến gần khiến tôi nhớ đến hương vị thân quen của món bánh thuẫn, nhớ đến không khí ấm cúng bên căn bếp nhỏ cùng ba và mẹ làm bánh.
Dường như thời buổi này, nhiều gia đình không còn mặn mà với việc làm các loại bánh mứt ngày Tết như trước; thay vào đó, người ta chỉ cần ra chợ mua về cúng tổ tiên. Họ bảo thế cho tiện. Nhưng chính cái tiện lợi ấy khiến người ta dần quên đi những hương vị một thời gắn bó với tuổi thơ và khiến ngày tết cổ truyền dần mất đi ý nghĩa.
Nhớ lúc ba tôi còn sống, cứ ngày 25 đến 27 Tết là gia đình tôi lại rộn ràng với việc lo làm bánh cho ngày Tết. Làm bánh thuẫn là nhiệm vụ không thể quên. Bởi theo ba lúc ông nội còn sống rất thích ăn bánh thuẫn, uống nước trà nên cứ đến Tết là nhà tôi lại làm món bánh này,
Bánh thuẫn được làm từ các nguyên liệu chính: bột bình tinh, đường, trứng gà và trứng vịt theo tỉ lệ nhất định, đánh lên thành một thứ bột sánh mịn. Khuôn bánh được làm bằng kim loại có hình tròn, bên trong là 10 chiếc khuôn nhỏ đáy khuôn có nhiều hình dạng như hình cá, hoa lá.. phía trên có cái nắp bằng kim loại để ủ than hồng. Ngoài đánh bột và đổ bánh, các công đoạn như rửa khuôn, hái bẹ chuối, đánh trứng, chuẩn bị than củi cũng cực kỳ quan trọng. Trong đó, khâu mà năm nào tôi cũng đảm nhiệm là hái bẹ chuối. Ba thường “nịnh” tôi mỗi khi tôi “nổi cơn nhát” không đi hái bẹ chuối cho ba làm bánh bằng câu “Bánh mà không có bẹ chuối do cô út hái là không ngon đâu”. Có lẽ vì câu nói đó mà năm nào nhiệm vụ hái bẹ chuối cũng do tôi làm, có ai tranh giành cũng không được.
Trong các công đoạn làm bánh, khâu đánh bột là nặng nhất bởi khi chưa cho bột vào thì rất dễ đánh, còn lúc đã cho bột vào việc đánh bột trở nên khá nặng nề, rất dễ mỏi tay vì nặng. Ngày nay, người ta phát minh ra máy đánh trứng nên việc đánh bột không còn là mối bận tâm mỗi khi làm bánh thuẫn, nhưng một điều rất lạ là bột được đánh bằng máy khi làm bánh sẽ không ngon bằng đánh bằng tay. Để cho bánh nở đều và đẹp, khâu quạt than rất quan trọng, than phải đỏ đều và không quá lửa nếu không bánh sẽ bị cháy khét. Lúc nào nghe mùi thơm dậy lên là biết bánh đã chín, dùng chiếc que tre vót nhọn để xăm bánh ra khỏi khuôn và đặt lên một cái trẹt. Nếu ai thích ăn mềm thì thưởng thức lúc này là lý tưởng nhất. Nhưng muốn bánh bảo quản trong thời gian dài cần thêm một công đoạn cuối cùng nữa là sấy lá trên lò than một đêm để bánh khô và cứng lại. Điều chú ý ở công đoạn này là phải thường xuyên trở bánh để bánh khô đều và không bị cháy.
Ngày trước, khi ba, mẹ làm bánh, tôi và chị gái thích ngồi vây quanh bếp lửa. Thường thì tôi được phân nhiệm vụ quạt than, nhưng mục đích chính để chị em tôi vây quanh bếp lửa là chờ những cái bánh cháy sém. Lúc đó, chúng tôi sẽ được thưởng thức những chiếc bánh nóng và mềm vừa được đưa ra khỏi khuôn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được mùi thơm của trứng và bột bình tinh quyện vào nhau thơm phức, từ từ tan trong miệng mình. Vì thế, tôi thích ăn bánh thuẫn khi vừa mới đưa ra khỏi khuôn hơn là khi đã sấy khô.
Bây giờ, cảm giác nôn nao ngồi bên bếp than chờ đợi những chiếc bánh cháy xém chỉ còn là một kỷ niệm, bởi sau khi ba mất, “thói quen” làm bánh thuẫn mỗi ngày Tết đến cũng mất dần. Người ta cũng ít dùng bánh thuẫn để đãi khách hay làm quà biếu như trước, mà thay vào đó là những món quà đắt tiền và mua sẵn, bánh thuẫn chỉ còn xuất hiện đâu đó trên bàn thờ cúng tổ tiên của một vài gia đình ở các vùng quê.
Một số hình ảnh đẹp
0 comments:
Post a Comment