Tuesday, October 13, 2015

Bánh gừng Bình Thuận

Bánh gừng Bình Thuận
Bánh gừng là loại bánh mang một âm hưởng truyền thống độc đáo trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Bánh được gọi tên như vậy là vì có hình dạng giống củ gừng.



Đây là một loại bánh được làm bằng bột nếp, trứng vịt, trứng gà, đường cát, gừng giã nhuyễn theo một tỷ lệ: cứ 1kg gạo nếp, 15 quả trứng vịt, 3 quả trứng gà, 1kg đường cát thì làm được 15 đến 20 cái bánh gừng. Sau khi cho nước sôi vào các nguyên liệu trên, trộn đều thành một khối bột dẻo có màu vàng lợt của lòng đỏ trứng sẽ đến công đọan không kém phần quan trọng đó là nặn bánh. Từ khối bột dẻo sẵn có, với đôi tay khéo léo của các thiếu nữ Chăm, hình dạng chiếc bánh gừng từ từ hiện ra. Tiếp đến bánh được chiên vàng trong chảo dầu đã đun nóng. Khi bánh đã chín đều, nhúng bánh vào nước đường cát trắng đã thắng tới để bánh có độ bóng mịn.

 

Những chiếc bánh gừng được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon, béo bổ, giòn ngọt, cay từ bột nếp, gừng và trứng vịt. Mỗi khi thưởng thức bánh gừng, người Chăm cho rằng đã nhớ đến hình ảnh thủy chung đẹp nhất của nàng Nai Chrao Cho Phò trong câu chuyện truyền thuyết Chăm, giống như chuyện hòn vọng phu của người Kinh. Nàng đã làm bánh gừng và mang lên tảng đá ngồi ăn và chờ chồng cho tới khi bị hóa đá.

 

Theo phong tục Chăm, bánh gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng. Đặc biệt nhất là trong các lễ cưới, lễ hội, tết Katê, bánh gừng bao giờ cũng đặt trên hết, cùng với bánh tét và bánh gang tay. Đối với người Chăm ba loại bánh này được coi như một lễ vật rất đặc biệt, có nhiều ý nghĩa sâu sắc: bánh tét - dương tượng trưng cho người chồng, bánh gang tay - âm tượng trưng cho người vợ và bánh gừng - âm dương hòa hợp, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng./.

 

Một số hình ảnh đẹp
Bánh gừng Bình Thuận












0 comments:

Post a Comment